Jim Simons là người tiên phong trong lĩnh vực tài chính định lượng - một trong những trụ cột quan trọng của thế giới tài chính.
Tên tuổi các nhà đầu tư vĩ đại thường gắn liền với phong cách đặc trưng của họ. Warren Buffett nổi tiếng với triết lý chỉ đầu tư vào những công ty mà ông cho là rẻ và giữ chúng trong thời gian rát dài. Trong khi đó George Soros đặt cược vào các sự kiện kinh tế vĩ mô, thậm chí có lúc đã “đánh sập" cả Ngân hàng Trung ương Anh. Còn Jim Simons, người qua đời hôm 10/5 ở tuổi 86, tỏ ra bí ẩn hơn. Ông đã mở ra một phong cách mới: đầu tư định lượng, đào sâu vào lĩnh vực này theo những cách mà đến nay thế giới vẫn chưa thể giải thích tường tận.
Miêu tả về ông, Clifford Asness, nhà đồng sáng lập của quỹ đầu cơ AQR, nói với tờ Wall Street Journal: "Chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại. Tên của ông ấy là Jim Simons". Medallion, quỹ “lá cờ đầu" của công ty Renaissance Technologies mà Simons sở hữu đã thu về khoản lợi nhuận lên tới 100 tỷ USD trong 3 thập kỷ tính đến năm 2018. Nếu tính đến mức lợi suất thì còn ấn tượng hơn: 66% mỗi năm. Không quỹ nào có thể bắt kịp những con số này.
Đáng nói là Simons đạt được thành tích bất bại trên cương vị là một nhà toán học chứ không phải nhà đầu tư. Năm 23 tuổi, ông rời ĐH California với tấm bằng Tiến sĩ toán học, sau đó được nhận giải thưởng Oswald Veblen danh giá trong lĩnh vực hình học. Ông làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong vai trò một người chuyên giải mật mã, nhưng bị sa thải vì lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Jim Simons (1938 - 2024) |
Rời NSA, Simons tới làm việc tại ĐH Stony Brook, là trưởng khoa Toán và trở thành một trong những nhà toán học xuất sắc nhất nước Mỹ. Năm 1978, ông thành lập RenTech. Trong 1 cuộc phỏng vấn hiém hoi với tạp chí Institutional Investor năm 2000, ông chia sẻ “chúng tôi không tuyển người từ Phố Wall mà tuyển những người thực sự làm khoa học tử tế". Sau này cách tiếp cận của ông cũng được nhiều quỹ đầu cơ áp dụng.
Khá kín tiếng nhưng Jim Simons có tầm ảnh hưởng lớn đến giới đầu tư. Thông thường, các nhà đầu tư phát triển những giả thuyết về giá tài sản dựa trên những mối quan hệ tài chính – kinh tế trong thế giới thực, sau đó kiểm chứng chúng. Cách làm của Simons hoàn toàn khác. Sau khi đạt được chút thành công với phương pháp tiếp cận ưu tiên phân tích cơ bản dù vừa mới “chân ướt chân ráo" bước vào ngành tài chính, ông bắt đầu đào sâu khối lượng dữ liệu khổng lồ để tìm kiếm các tín hiệu hữu ích cho quá trình giao dịch.
Ông thường khuyến khích các trader đi tìm nguyên nhân giải thích trước khi đầu tư. Nhưng ông cũng sẵn sàng giải ngân vốn kể cả khi không tìm thấy lời giải thích. Cho đến nay vẫn chưa có ai biết chính xác công thức của Simons là gì. Một số người suy đoán RenTech chính là quỹ đầu tiên sử dụng những công nghệ máy học hiện đại.
Sự sáng tạo của Simons nằm ở việc áp dụng các thuật toán phức tạp để phân tích lượng lớn dữ liệu thị trường và đưa ra quyết định giao dịch. Các thuật toán của Medallion dựa trên ba trụ cột chính: phân tích định lượng dựa trên dữ liệu, giao dịch tần suất cao và học máy, cho thấy hiệu quả rõ rệt vì nó gần như đã loại bỏ đi được yếu tố cảm xúc của các nhà đầu tư thông thường, đồng thời có khả năng phân tích cực nhanh khi sử dụng bộ não của máy tính.
Bằng cách phân tích lượng lớn dữ liệu để tìm ra các mô hình ẩn, thực hiện các giao dịch nhanh chóng dựa trên những mô hình đó, và cho phép thuật toán học và thích ứng theo thời gian, Medallion đã nhận biết và khai thác các nhược điểm thị trường mà các nhà đầu tư khác bỏ lỡ.
Phần trăm lợi nhuận gộp của Quỹ Medallion và nhóm S&P 500 từ 1988 đến 2018 |
Ngày nay, các quỹ định lượng nắm giữ khoảng 1/3 lượng vốn của Phố Wall nhưng hầu như không có ai đạt được thành tích ấn tượng như RenTech. Liệu bản thân RenTech có duy trì được thành tích vượt trội hay không cũng là một dấu hỏi lớn. Việc thực hiện hàng trăm nghìn giao dịch ngắn hạn mỗi ngày có thể gây ra nhìu hạn chế. Đôi lúc dòng tiền lớn sẽ khiến thị trường biến động mạnh, khiến nhân rộng giao dịch đồng nghĩa lợi nhuận bị xói mòn.
Năm 2023, Medallion đã loại bỏ một số nhà đầu tư bên ngoài và hiện chỉ quản lý tiền cho các nhân viên và nhóm alumini. RenTech đã lập các quỹ mới cho những nhà đầu tư mới nhưng hiệu suất của chúng không đạt được như kỳ vọng.
Dù quy mô bị hạn chế, Medallion vẫn có nhiều lợi thế so với các quỹ khác. Hầu hết các quỹ sẽ gồm nhiều nhóm khác nhau đi theo những chiến lược khác biệt và chúng sẽ cạnh tranh với nhau. Medallion chỉ đi theo 1 mô hình và có 1 nhóm duy nhất.
Mặc dù không có nhà đầu tư bên ngoài, quỹ vẫn thu phí quản lý 5% và phí hiệu suất 44%. Điều này là để phân phối lại thu nhập giữa người mới và người cũ. Có lẽ đó cũng là lý do khiến trung bình các nhân viên gắn bó với RenTech tới 14 năm, lâu hơn đáng kể so với các đối thủ ở Phố Wall. Và đương nhiên sẽ có nhiều nhân viên muốn đồng hành cùng với “ông vua định lượng” Jim Simons, người cả cuộc đời đã thu hút được vô số anh tài đến với ông.