Luật các TCTD có hiệu lực: Nhiều ngân hàng đã tiên phong công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn
Các ngân hàng "rục rịch" công bố thông tin danh sách cổ đông sở hữu hơn 1% vốn điều lệ của ngân hàng theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024.
Từ ngày 1/7/2024, Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực. Một trong những điểm mới trong Luật so với trước đó, là tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức, người có liên quan tại ngân hàng.
Theo đó, người sở hữu từ 1% vốn điều lệ các TCTD phải cung cấp thông tin cá nhân và người có liên quan. Đồng thời, các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này.
Ngay sau khi Luật có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã tiên phong, sớm công bố thông tin theo quy định.
Các ngân hàng tiên phong công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ
Tính đến 25/7, đã có 6 ngân hàng công bố thông tin, gồm VPBank (VPB), EximBank (EIB), OCB, LPBank (LPB), MBBank (MBB) và MSB.
Theo thông báo của MBBank, ngân hàng chỉ có 2 cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ, là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và Pyn Elite Fund.
Trong đó, tính đến ngày 15/7/2024, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 65,7 triệu cổ phiếu MBB (tỷ lệ 1,24%). Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu thêm 1,5 triệu cổ phiếu MBB (tỷ lệ 0,02%). Còn Pyn Elite Fund (Non-Ucits) nắm giữ 86,3 triệu cổ phiếu MBB 1,63% vốn.
Eximbank có 5 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại ngày 1/7/2024, trong đó Tập đoàn Gelex (GEX) là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này khi sở hữu 4,9%. CTCP Chứng khoán VIX (VIX) đang nắm giữ 62,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,58%).
3 cổ đông sở hữu trên 1% cổ phần còn lại là CTCP Thắng Phương sở hữu 53,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,07%); bà Lê Thị Mai Loan sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,03%); bà Lương Thị Cẩm Tú sở hữu 19,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,12%).
Sau đó, OCB là ngân hàng tiếp theo công bố danh sách 20 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Theo danh sách công bố, OCB có 13 cổ đông tổ chức, nắm tổng cộng 1,46 tỷ cổ phiếu OCB, tương ứng 55,7% vốn của ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng này còn có 7 cổ đông cá nhân, sở hữu 24,8% vốn.
Tổng cộng, những cổ đông này nắm 1,66 tỷ cổ phiếu OCB, tương ứng 80,6% vốn điều lệ của ngân hàng.
VPBank (VPB) công bố thông tin, tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 64,2% vốn điều lệ của VPBank.
4 cổ đông tổ chức nắm giữ trên 1% vốn điều lệ tại VPBank gồm có Sumitomo Mitsui BankingCorporation (cổ đông chiến lược, nắm giữ hơn 15% vốn điều lệ), Công Ty Cổ Phần DIERACORP (tỷ lệ 4,39%), quỹ ngoại Composite Capital MasterFund LP (tỷ lệ 2,7301%), quỹ ngoại Vietnam EnterpriseInvestments Limited (tỷ lệ 1,2839%).
Ngân hàng MSB ghi nhận có 11 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Bưu chính Việt Nam, tỷ lệ 6,05%.
Các trường hợp đang vượt tỷ lệ sở hữu quy định sẽ ra sao?
Ngay khi thông tin được công bố, nhiều nhà đầu tư quan tâm đang chú ý tới những cổ đông, người có liên quan, sở hữu vượt tỷ lệ giới hạn khi Luật mới ra đời.
Nguyên nhân, theo Luật trước đó, tỷ lệ sở hữu của các tổ chức đang nằm trong "khung" dưới 15%, hoặc các cổ đông và người có liên quan đang sở hữu dưới 20%. Sau khi Luật mới áp dụng, tỷ lệ này điều chỉnh giảm khiến nhiều tổ chức, cổ đông và người có liên quan bị vượt tỷ lệ sở hữu giới hạn.
Liên quan vấn đề này, Luật mới cũng nêu rõ, từ ngày 1/7/2024 các trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định thì vẫn được tiếp tục duy trì cổ phần, nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tức là các cổ đông là cá nhân, tổ chức đang sở hữu hơn 5% (đối với cá nhân), 10% (đối với tổ chức), cổ đông và người có liên quan (15%) sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu.
Tuy vậy, các cá nhân, tổ chức này cũng sẽ không được thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% (đối với cá nhân) và 10% (đối với tổ chức) và 15% (đối với cổ đông và người có liên quan).
Điều này được quy định tại Khoản 11 Điều 210 Luật các tổ chức tín dụng 2024 mục điều khoản chuyển tiếp.
>> MSB: Hé lộ 1 cổ đông cá nhân duy nhất nắm trên 1% vốn điều lệ