Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức xuống 10% để hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng.
Sáng 15/1, Quốc hội Khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường thứ 5 với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Theo đó, 1 trong 4 nội dung được xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này là dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức xuống 10% để hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng.
Đề xuất sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông để hạn chế chi phối ngân hàng |
Theo dự thảo Luật sau chỉnh lý, tiếp thu, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng nhưng Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa và điều kiện mua.
Quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng lần này được giữ nguyên như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2023. Tuy nhiên, thảo luận trước đó có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10% bởi có thể gây xáo trộn không cần thiết, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng. "Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.
Cùng đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.
4 nội dung quan trọng được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5
Triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV bàn về Luật Đất đai (sửa đổi)