Lùm xùm liên miên, Artemis Thanh Xuân có xứng tầm chung cư cao cấp?
Dù bỏ cả đống tiền để mua nhà nhưng cư dân tại chung cư Artemis Thanh Xuân luôn phải sống trong cảnh lo âu vì tòa nhà liên tục dính lùm xùm không đáng có.
Người dân biểu tình vì phí gửi xe cao vượt trần
Ngày 6/11, nhiều người dân tại chung cư Artemis số 3 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã treo băng rôn phản đối chủ đầu tư CTCP ACC Thăng Long (nay đổi tên là CTCP MHL) về hàng loạt bất cập, bức xúc tại tòa nhà như: Việc chủ đầu tư tự ý tăng phí gửi xe ô tô, xe máy; chây ì thành lập ban quản trị, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tòa nhà không đảm bảo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; chủ đầu tư bất chấp quyết định đình chỉ hoạt động của chính quyền…
Theo tìm hiểu, vào ngày 27/10, ban quản lý khu căn hộ, CTCP Đầu tư MHL bất ngờ ra thông báo tăng giá xe từ ngày 1/11. Theo đó, với cư dân giá gửi xe ô tô là 2,3 triệu đồng/tháng đối với 220 vị trí ưu đãi cho cư dân đăng ký sớm áp dụng đến ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024 là 2,5 triệu đồng/tháng. Các xe còn lại sẽ áp giá thương mại 2,9 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, xe máy chỉ cho gửi 1 chiếc với giá 120.000 đồng/tháng (từ ngày 1/1/2024 là 150 nghìn đồng/tháng). Từ xe máy thứ 2 là 230.000 đồng/tháng.
Cư dân cho rằng mức giá trông giữ xe được chủ đầu tư tự ý đưa ra vượt trần so với quy định, đồng thời không phù hợp thực tế, vi phạm thỏa thuận cam kết.
Tòa nhà Artemis nằm ngoài vành đai 2, như vậy thông báo tăng giá gửi phương tiện của chủ đầu tư là vượt quá mức giá trần được quy định tại quyết định số 44 ngày 15/12/2017 của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, thông báo này cũng vi phạm cam kết tại biên bản họp ngày 4/12/2018 được ký bởi chủ đầu tư và cư dân, có nội dung giữ nguyên giá trông giữ xe cho đến khi ban quản trị được thành lập (giá đã thống nhất là 1,5 triệu đồng/ ô tô, 60.000 đồng/xe máy).
Ngoài vấn đề tăng phí trông giữ xe, người dân còn bức xúc phản ánh họ luôn sống trong cảnh bất an khi tòa nhà sai phạm nghiêm trọng về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) như: hệ thống PCCC bị lỗi, báo cháy không hoạt động; đặc biệt là việc chủ đầu tư bất chấp quyết định đình chỉ hoạt động đối với khu vực từ tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis.
Đặc biệt, chung cư Artemis bàn giao cho cư dân về ở được 6 năm nhưng đến nay vẫn chưa thành lập ban quản trị, chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng cho cư dân.
Đây không phải lần đầu tiên cư dân Artemis đứng lên biểu tình, vì trước đó, chung cư 5 sao này cũng đã vướng phải không ít lùm xùm khiến người mua kêu gào vì tiền mất tật mang.
Người dân nổi khùng vì bị cắt tiện ích và dịch vụ do thiếu kinh phí
Vào năm 2018, cư dân tại Artemis liên tục tố chủ đầu tư cắt điện thang máy, không thu gom rác ở chung cư. Thời điểm đó, người dân cho rằng phí dịch vụ quá cao, chưa tương xứng với tiện ích của tòa chung cư mang lại; phản đối nhà hàng Vuvuzela và cho rằng chủ đầu tư cố tình biến khu kỹ thuật cho đơn vị khách để kinh doanh…
Ngày 15/10/2018, cư dân đã treo băng-rôn phản đối quán bia kinh doanh tại khu vực được cho là phòng kỹ thuật của tòa nhà.
Đặc biệt, phía cư dân cho biết đơn vị quản lý, vận hàng tòa nhà bất ngờ ngừng phục vụ thang máy, ngừng thu gom rác và một số tiện ích.
Trước những bức xúc của người dân, đại diện chủ đầu tư trần tình: “Các nhà thầu vệ sinh, bảo vệ do không nhận được tiền thanh toán gần 1 năm nay đã gửi đơn từ chối cung cấp dịch vụ. Ban quản trị lâm thời với nguồn kinh phí ít ỏi sẽ không có khả năng duy trì các dịch vụ cho khối căn hộ, ngoài ra buộc phải cắt giảm dịch vụ đối với các hộ chây ì, không đóng tiền điện nước, dịch vụ…”
Vì khoản lỗ quá lớn, công ty không thể tiếp tục gánh chịu thêm nên mới buộc phải cắt giảm dài hạn một số tiện ích và dịch vụ.
Cư bị cắt nước, khóa bánh xe
Cuối tháng 11/2018, người dân sống tại chung cư Artemis đã đồng loạt biểu tình, gửi đơn phản ánh về tình trạng về những tồn tại, bất cập ở dự án 5 sao của CTCP ACC Thăng Long.
Theo tìm hiểu, từ 6h sáng ngày 20 – 24/11, một số hộ dân sinh sống tại tầng 6-7 tòa nhà bị chủ đầu tư tự ý cắt nước không lý do, không được thông báo trước khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Thời điểm đó, chủ đầu tư không chỉ ngang nhiên cắt nước của cư dân mà còn tự ý khóa bánh nhiều ô tô của cư dân trước cửa hầm khiến cho việc đi lại sinh hoạt của người dân rất bất tiện. Đây là cách hành xử thiếu văn hóa, không tôn trọng người dân.
Việc chủ đầu tư cắt nước được cho là để gây sức ép yêu cầu ban đại diện cư dân phải chấp thuận cho nhà hàng Vuvuzela được phép hoạt động trở lại. Trong khi đó, khu đất xây dựng nhà hàng Vuvuzala là đất dành trồng cây xanh, khu vực kỹ thuật.
Trước đó, liên quan đến việc xây dựng trái phép nhà hàng Vuvuzela, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng việc kinh doanh dịch vụ tại khu đất này.
CTCP Minh Hữu Liên (MHL) được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 6,5 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty là chuyên về sản xuất, mua bán sản phẩm gia dụng bao gồm bàn, ghế, xe đẩy, tủ, kệ bằng kim loại và sản xuất các sản phẩm ứng dụng từ thép.
Hà Nội phản hồi vụ cư dân khu đô thị Thanh Hà mua đất 10 năm chưa được xây nhà