Mặt bằng “sạch” cho cao tốc

18-06-2023 04:44|THANH BÌNH

Một dải cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được nối liền vào năm 2025. Để mong muốn này thành hiện thực, 12 dự án thành phần phải được triển khai một cách quyết liệt, đồng lòng.

Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án cao tốc đã được khánh thành và đi vào hoạt động, phần còn lại vẫn đang bị “đắp chiếu” hoặc vướng bởi sự thiếu hụt về vật liệu, mặt bằng “sạch” để nhà thầu tiếp tục thi công.

Trong báo cáo gửi đến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT đánh giá công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).

matbang.jpg
Nhà thầu thi công nền đường dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2, dù các địa phương có đã nỗ lực thực hiện, bàn giao đến nay được 600,4/721,3km (đạt 83%), tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận mặt bằng “sạch” để các nhà thầu có thể triển khai thi công chỉ đạt 508,5/721,3km (đạt 71%). Thậm chí, nhiều vị trí có mặt bằng nhưng không có đường tiếp cận nên không thể thi công.

Còn nhớ, tại cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 12/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 12 địa phương thuộc Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 tiếp tục triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi đất rừng. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT cho biết các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm, hoặc sai khác vị trí so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15, ảnh hưởng đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.

Hoặc, các địa phương còn lúng túng khi giải quyết đối với các diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án phải hỗ trợ nhưng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bởi hiện chưa có các quy định hướng dẫn thực hiện cho trường hợp này.

Mới đây, nhằm đảm bảo tiến độ dự án, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các Ban quản lý dự án cùng với các nhà thầu phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch trong tháng 6/2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Có thể thấy, mọi vấn đề liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam đều đã được Chính phủ, Quốc hội “gỡ”  khó về chính sách, nguồn vốn. Riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật dự án, hiện chúng ta đã có khung tiêu chuẩn kỹ thuật, có Luật xây dựng, có Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm soát chất lượng, khối lượng dự án đã có Kiểm toán Nhà nước…, nên không ai có thể làm sai khác về chất lượng.

Có điều, từ thực tế nói trên, để dự án cao tốc sớm về đích đúng hẹn thì mặt bằng luôn là nút thắt, riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 lại càng khó hơn bởi thời gian bàn giao mặt bằng sạch vô cùng gấp gáp, với một khối lượng công việc khổng lồ.

Theo đó, một trong những cái khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng đó là địa phương công bố giá đền bù rất chậm. Không những vậy, bên cạnh câu chuyện muôn thuở về giá đền bù thì vấn đề tái định cư cho người dân cũng quan trọng vì nếu không hợp lý sẽ là rào cản khiến công tác giải phóng mặt bằng bị đình trệ.  

Tức là, khi thi công dự án thì công tác tái định cư phải làm trước, đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, y tế, văn hóa, giáo dục. Trong quá trình quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tầm nhìn xa làm sao để người dân trong phạm vi quy hoạch phải thấy được lợi ích của họ khi được quy hoạch chứ không phải là bị quy hoạch.

Do đó, ngoài sự quyết liệt theo chủ trương, chính sách, pháp luật, các địa phương cũng cần mềm dẻo, linh hoạt như đền bù trực tiếp bằng tiền để người dân tự tìm mua nhà đất phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu phải công khai, minh bạch, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có uy tín, năng lực. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải tính đến đảm bảo công ăn việc làm cho người dân hoặc đảm bảo quỹ đất để họ sản xuất nông nghiệp tại nơi tái định cư.

Chỉ khi nhận được sự đồng thuận của người dân thì công tác giải phóng mặt bằng vượt tiến độ về thời gian và khối lượng để góp phần đẩy nhanh tiến độ cao tốc.

Tuyến đường 40km thuộc đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được mở rộng gấp đôi

Thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành trị giá 84.700 tỷ đồng

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/mat-bang-sach-cho-cao-toc-245798.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mặt bằng “sạch” cho cao tốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH