Thế giới

Mặt hàng chiến lược của Nga khiến EU 'tiến thoái lưỡng nan', không thể áp lệnh cấm vận vì lo sợ hậu quả

Thanh Lê 21/10/2024 22:11

Từ khi Nga đưa xe tăng vào Ukraine vào đầu năm 2022, phương Tây đã liên tục tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow và nền kinh tế xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, EU vẫn chưa nhắm vào một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga — nhôm.

Trong suốt thời gian qua, kim loại nhẹ màu trắng bạc này đã trở thành mục tiêu tiềm năng cho các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow. Mặc dù một nhóm nhỏ các quốc gia EU tiếp tục thúc đẩy các biện pháp mạnh tay hơn đối với Nga, bao gồm cả việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhôm, nhưng các nền kinh tế lớn hơn của EU lại phản đối động thái này.

z5951776322840_5c56cde3e9288e52f9d749ec890bc3b8.jpg
Lựa chọn khó khăn của Châu Âu: Trừng phạt nhôm hoặc tiếp tục với các mục tiêu về khí hậu

Việc hạn chế nhôm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp trong nước vốn đã gặp khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường châu Á. Hơn nữa, động thái này có thể đe dọa nghiêm trọng đến cam kết của châu Âu về việc đạt được các mục tiêu khí hậu.

Những lo ngại dai dẳng về khả năng cấm vận chuyển nhôm có hàm lượng carbon thấp từ Nga sang thị trường châu Âu đã đẩy giá nhôm tăng 15% trong năm nay, và giá dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa nếu lệnh cấm được thực hiện.

Vai trò chiến lược ở châu Âu

EU phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 90% nhu cầu nhôm của mình, trong đó 8-9% đến từ Nga. Nhôm là nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp chiến lược như ô tô, hàng không vũ trụ, xây dựng và năng lượng tái tạo. Mặc dù một số quốc gia đã tuyên bố ngừng nhập khẩu nhôm từ Nga, điều này đặt ra một bài toán nan giải cho EU trong việc cân bằng giữa an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải.

Một lợi thế lớn của nhôm Nga là dấu chân carbon thấp, chủ yếu nhờ vào việc sản xuất bằng năng lượng thủy điện. Với lượng khí thải carbon chỉ khoảng 2,1 tấn CO2/tấn nhôm, ngành công nghiệp nhôm Nga có dấu chân carbon thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 15 tấn.

Nếu châu Âu chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ và Indonesia, nơi sản xuất nhôm chủ yếu sử dụng than đá, việc này sẽ làm giảm đáng kể những nỗ lực giảm phát thải của EU và đi ngược lại với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Các sáng kiến của EU như Thỏa thuận Xanh (Green Deal) và Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) sẽ bắt đầu phạt các sản phẩm nhập khẩu có lượng carbon cao từ năm 2026.

Điều này đặt EU vào tình huống ‘tiến thoái lưỡng nan’: nếu áp thuế đối với nhôm có hàm lượng carbon thấp, châu Âu có thể buộc phải chuyển sang các nguồn cung ứng có lượng phát thải cao hơn, tiềm ẩn nguy cơ làm tăng trung bình 14% hàm lượng carbon trong nhập khẩu nhôm.

Việc cấm hoàn toàn nhập khẩu nhôm từ Nga không chỉ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn có thể đẩy giá kim loại này lên cao. Thực tế, đầu năm 2022, khi lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Nga và châu Âu gia tăng, giá nhôm đã tăng vọt 33% chỉ trong thời gian ngắn.

Mặc dù tác động thực tế của các lệnh trừng phạt ban đầu không nghiêm trọng như dự đoán, nhưng những đồn đoán gần đây về khả năng cấm nhập khẩu nhôm từ Nga đã khiến giá nhôm tăng trở lại vào năm 2024, và các biện pháp trừng phạt tiếp theo có thể đẩy nhanh xu hướng này.

z5951776283399_1a5ca5ca0a5a4e4dc5f78e3f2597730f.jpg
Nhôm tại một nhà máy ở huyện Zouping, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc

Việc giá nhôm tăng cao sẽ gây ra những khó khăn đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại châu Âu, vốn chiếm hơn 90% lực lượng lao động trong ngành nhôm. Sự thiếu hụt đột ngột nguồn nhôm có hàm lượng carbon thấp và giá cả phải chăng có thể gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào kim loại này, từ xây dựng đến bao bì. Ngoài ra, giá nhôm phế liệu, một thành phần quan trọng trong nỗ lực tái chế của châu Âu, cũng có khả năng tăng khi liên kết với giá nhôm nguyên liệu.

Ai được hưởng lợi?

Nếu EU cấm nhập khẩu nhôm có hàm lượng carbon thấp của Nga, Trung Quốc sẽ là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất. Với nhu cầu ngày càng tăng về nguyên liệu xanh để đạt các mục tiêu khí hậu, cả châu Âu và Trung Quốc đều tìm kiếm nguồn cung nhôm có hàm lượng carbon thấp.

Khi châu Âu đóng cửa thị trường với các nhà sản xuất Nga, dòng chảy xuất khẩu nhôm sẽ chuyển mạnh sang phía Đông. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng châu Âu sẽ mất đi nguồn cung nhôm giá cả cạnh tranh và thân thiện với môi trường từ Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn cung nhôm dồi dào này mà còn gia tăng đáng kể vị thế trên thị trường nhôm toàn cầu. Việc trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của Nga sẽ giúp Trung Quốc có thêm quyền định hình giá cả và nguồn cung, từ đó củng cố vị thế thống lĩnh của mình trong ngành công nghiệp nhôm.

Việc cấm nhập khẩu nhôm từ Nga sẽ đặt châu Âu vào tình thế khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ước tính, châu lục này sẽ cần khoảng 500.000 tấn nhôm mỗi năm từ các nguồn khác.

Iceland, Mozambique và Na Uy thường được xem là những lựa chọn tiềm năng. Tuy nhiên, nhôm từ Mozambique đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Trong khi đó, công suất sản xuất của Na Uy đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.

z5951776283400_48d7c033adaaeff09d54cf2199815729.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm nhà máy Aluminium Dunkerque ở Dunkirk

Một lựa chọn khác là nhập khẩu từ Trung Đông, vốn là nhà cung cấp chính cho cả châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng từ Mỹ, việc châu Âu gia tăng nhập khẩu từ khu vực này sẽ đẩy giá nhôm lên cao và gây ra sự cạnh tranh gay gắt.

Lựa chọn của EU

EU đang phải ‘đi trên dây’ giữa việc cần tăng cường áp lực trừng phạt lên Nga đồng thời thúc đẩy các mục tiêu khí hậu và duy trì nền kinh tế cùng doanh nghiệp trong nước.

Khi EU thảo luận về các biện pháp trong gói trừng phạt tiếp theo đối với Moscow, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng những tác động rộng lớn hơn của các quyết định này.

Với áp lực gia tăng từ lạm phát toàn cầu, bất ổn kinh tế và mục tiêu khí hậu ngày càng cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cho COP29 tại Azerbaijan, EU sẽ cần xem xét cẩn trọng lợi ích và chi phí của bất kỳ hành động nào được đề xuất, bao gồm khả năng cấm nhập khẩu nhôm có hàm lượng carbon thấp từ Nga.

Theo Euronews, Yahoo Finance

>> Ngân hàng phương Tây ‘tiến thoái lưỡng nan’ ở Nga, hàng tỷ USD bị ‘giam lỏng’

Nga cảnh báo cứng rắn phương Tây về ý tưởng cho phép Ukraine gia nhập NATO

Hội nghị thượng đỉnh EU thảo luận về loạt vấn đề "nóng"

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/mat-hang-chien-luoc-cua-nga-khien-eu-tien-thoai-luong-nan-khong-the-ap-lenh-cam-van-vi-lo-so-hau-qua-128664.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mặt hàng chiến lược của Nga khiến EU 'tiến thoái lưỡng nan', không thể áp lệnh cấm vận vì lo sợ hậu quả
    POWERED BY ONECMS & INTECH