Máy bay đầu tiên trên thế giới có thể bay vòng quanh xích đạo liên tục trong 9 ngày mà không sử dụng xăng dầu hay năng lượng mặt trời
Đội ngũ chế tạo chiếc máy bay đặc biệt này đã lên kế hoạch cho chuyến bay liên tục 9 ngày vào năm 2028.
Trong bối cảnh ngành hàng không đang tìm cách giảm phát thải carbon, cuộc chạy đua tìm nhiên liệu thay thế đang diễn ra, và hydro hiện là ứng viên sáng giá hàng đầu. Để minh chứng tiềm năng của hydro, một nhóm chuyên gia tại Les Sables-d'Olonne (Pháp) đã khởi động dự án chế tạo chiếc máy bay đặc biệt mang tên Climate Impulse. Mục tiêu của họ là biến nó trở thành chiếc máy bay sử dụng hydro đầu tiên trên thế giới.
Dự án này được dẫn dắt bởi nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Bertrand Piccard, cựu thành viên nhóm Solar Impulse, đội ngũ từng tạo ra chiếc máy bay đầu tiên bay vòng quanh thế giới bằng năng lượng mặt trời vào năm 2015-2016. Ông Piccard tự tin rằng dự án này có thể tạo ra cú hích quan trọng cho ngành hàng không toàn cầu.
"Nhiều người cho rằng việc loại bỏ carbon khỏi ngành hàng không là không thể. Climate Impulse chính là lời đáp trả của tôi trước những suy nghĩ bi quan và những người khẳng định rằng chúng ta không có giải pháp," ông Piccard chia sẻ với CNBC. Theo ông, giải pháp thực sự tồn tại, nhưng chỉ có thể hiện thực hóa nếu chúng ta hành động ngay.
Tuy nhiên, chuyển sang hydro không phải là việc đơn giản như chỉ thay đổi nhiên liệu. Một trong những thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật là làm sao duy trì hydro ở dạng lỏng ở điều kiện gần 0 độ C. Vậy tại sao đội ngũ Climate Impulse vẫn quyết định chọn hydro cho dự án đầy thử thách này?
"Nếu muốn loại bỏ hoàn toàn carbon từ nhiên liệu, có thể sử dụng năng lượng mặt trời, nhưng năng lượng này không phù hợp cho hàng không thương mại," ông Piccard giải thích.
"Đối với các máy bay lớn, pin sẽ phải rất nặng, và một phần lớn năng lượng sẽ bị tiêu tốn chỉ để vận chuyển khối lượng pin khổng lồ này. Vì vậy, chuyển sang hydro là giải pháp khả thi hơn," nhà thám hiểm Thụy Sĩ nhận định.
Dự án Climate Impulse là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm chứng minh rằng hydro có thể trở thành nguồn nhiên liệu bền vững cho ngành hàng không dân dụng. Mục tiêu của dự án không chỉ là thúc đẩy niềm tin vào công nghệ xanh mà còn khẳng định tiềm năng của hydro trong việc tạo ra giải pháp thân thiện với môi trường.
Nhóm của ông Piccard đang áp dụng những thiết kế đặc biệt để phát triển máy bay Climate Impulse. Khác biệt hoàn toàn với các mẫu máy bay truyền thống, thiết kế này tập trung vào việc sử dụng các bồn chứa hydro lỏng.
Ông Piccard cho biết, "Chiếc máy bay này sẽ được xây dựng quanh các bồn chứa hydro." Máy bay có buồng lái nhỏ ở giữa và hai bồn chứa hydro lỏng lớn gắn bên sườn. Một cánh đơn dài và mỏng kết nối các bộ phận này, với các cánh quạt gắn phía trước của từng bồn và một cái đuôi để hỗ trợ lực đẩy và cân bằng.
"Thách thức kỹ thuật lớn nhất là chế tạo máy bay với hai bồn chứa hydro lỏng, cần duy trì ở nhiệt độ -253°C và cung cấp năng lượng cho động cơ điện thông qua các tế bào điện hóa," ông Raphaël Dinelli, người phụ trách thiết kế Climate Impulse, giải thích.
Giải pháp là phát triển các bồn chứa nhiệt cách mạng, giúp duy trì hydro ở trạng thái lỏng trong suốt chuyến bay. Dự án chủ yếu dựa vào vật liệu và công nghệ tiên tiến, vì vậy họ đã hợp tác với Syensqo, một công ty đa quốc gia từ Bỉ, để phát triển các hệ thống phù hợp cho máy bay mới.
Dự án Climate Impulse dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới vào năm 2028, với các giai đoạn thử nghiệm bắt đầu từ năm 2026.