Micro-retirement: Xu hướng nghỉ hưu tạm thời của thế hệ lao động GenZ và Millennia
"Micro-retirement" là khoảng thời gian nghỉ việc có chủ đích, kéo dài để theo đuổi sở thích cá nhân, du lịch, học tập, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi.
Ngày càng nhiều người trẻ, đặc biệt thuộc thế hệ Gen Z và Millennials, đang lựa chọn "micro-retirement" – xu hướng nghỉ hưu ngắn hạn kéo dài từ vài tháng đến vài năm – để tái tạo năng lượng và tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Xu hướng này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong tư duy về công việc mà còn là một lời khẳng định về giá trị của sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.
"Micro-retirement": Nghỉ để sống, không phải để chờ hưu
"Micro-retirement" không giống với nghỉ phép ngắn ngày hay nghỉ hưu truyền thống. Đây là khoảng thời gian nghỉ việc có chủ đích, kéo dài để theo đuổi sở thích cá nhân, du lịch, học tập, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi. Anaïs Felt (31 tuổi), một nhà sáng tạo nội dung tại California (Mỹ), chia sẻ rằng quyết định nghỉ hưu ngắn hạn đã giúp cô phục hồi năng lượng và chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho những thử thách mới trong sự nghiệp.
Theo khảo sát của Hiệp hội Quản trị Nhân sự Mỹ (SHRM), 44% nhân viên cảm thấy kiệt sức vì công việc. Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng cho thấy chỉ 44% người lao động dưới 30 tuổi hài lòng với công việc của mình, thấp hơn đáng kể so với 67% ở nhóm trên 65 tuổi. Những con số này phản ánh một thực trạng đáng lo ngại: áp lực công việc đang khiến người trẻ bất mãn và kiệt quệ về tinh thần.
"Micro-retirement" không giống với nghỉ phép ngắn ngày hay nghỉ hưu truyền thống. Ảnh minh họa |
Cố vấn nghề nghiệp Michael Lopez nhấn mạnh rằng tài chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một kỳ "micro-retirement". Ông gợi ý rằng người lao động cần xây dựng một kế hoạch tài chính dài hạn, đảm bảo có đủ tiền tiết kiệm để sống mà không cần thu nhập trong thời gian nghỉ. Tim Toterhi, một chuyên gia khác, cũng khuyến cáo người trẻ cần cân nhắc kỹ về bảo hiểm y tế và các quỹ dự phòng cho những tình huống khẩn cấp.
>> Phân khúc nhân sự nào đang đứng trước làn sóng sa thải tại các công ty lớn?
Một ví dụ điển hình là Brittany Foley (26 tuổi). Trước khi tạm nghỉ việc trong 1 năm để theo đuổi đam mê viết sách, cô đã tiết kiệm 1/3 thu nhập hàng tháng và chuyển đến căn hộ giá rẻ hơn. Dù phải làm thêm công việc phục vụ để trang trải sinh hoạt, cô vẫn coi đây là một quyết định đúng đắn. "Ở tuổi này, tôi chịu nhiều áp lực để thăng tiến và tăng lương, nhưng tôi nhận ra rằng đây là thời điểm lý tưởng để nghỉ ngơi trước khi có những trách nhiệm gia đình", Foley chia sẻ.
Quay lại công việc sau kỳ nghỉ
Một trong những lo ngại lớn nhất đối với những người tham gia "micro-retirement" là cách thuyết phục nhà tuyển dụng khi quay lại làm việc. Jes Osrow, đồng sáng lập công ty tư vấn The Rise Journey, khuyên rằng người lao động nên trình bày kỳ nghỉ như một giai đoạn tái tạo năng lượng và khám phá bản thân. Điều này không chỉ giúp họ tự tin hơn khi ứng tuyển mà còn thể hiện rằng họ đã sẵn sàng để cống hiến ở mức độ cao hơn.
Một trong những lo ngại lớn nhất đối với những người tham gia "micro-retirement" là cách thuyết phục nhà tuyển dụng khi quay lại làm việc. Ảnh minh họa |
Cara Nicole, chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, cũng nhấn mạnh rằng: "Kỳ nghỉ không phải là điểm yếu, mà là cơ hội để làm mới bản thân và đạt hiệu suất công việc tốt hơn". Cô gợi ý người lao động nên giải thích rõ rằng kỳ nghỉ giúp họ tìm lại đam mê, xác định lại mục tiêu và chuẩn bị tinh thần cho những thử thách mới.
Nicole còn chia sẻ rằng, thay vì chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu truyền thống, người trẻ nên tận dụng thời gian hiện tại để sống trọn vẹn. "Bạn không thể biết ngày mai sẽ ra sao, vì vậy hãy tận hưởng và trải nghiệm khi còn có thể", cô nói. Đồng thời, cô nhấn mạnh rằng kỳ "micro-retirement" không phải là khoảng thời gian để tiêu xài hoang phí, mà là cơ hội để sống ý nghĩa hơn.
"Micro-retirement" không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà còn là sự thay đổi trong cách người trẻ định nghĩa thành công và hạnh phúc. Trong bối cảnh công việc và ngày càng áp lực, xu hướng này góp phần mang đến một lối thoát tích cực, giúp họ tái định hình cuộc sống, sống trọn vẹn và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Millennial là một khái niệm để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian 1981 đến 1996. Trong khi đó, Gen Z dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012.
Phân khúc nhân sự nào đang đứng trước làn sóng sa thải tại các công ty lớn?
Một 'gã khổng lồ' vận tải biển thưởng Tết hậu hĩnh cho nhân viên, lên tới 20 tháng lương