Xã hội

Miễn học phí cho sinh viên ngành y: Nhân văn, thu hút nhân tài nhưng khó khả thi

Thúy Nga 26/12/2024 06:51

Một số ý kiến cho rằng việc miễn học phí cho sinh viên ngành y là cần thiết bởi mức học phí quá cao đang là rào cản khiến nhiều em không thể theo đuổi ngành. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng đề xuất này không thực tế.

Nhà nước cần hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành y trong thời gian học tập tại trường giống như với ngành sư phạm. Hiện nay, sinh viên sư phạm đang được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí và 3,63 triệu đồng mỗi tháng để chi trả phí sinh hoạt.

Trước đề xuất này, PGS.TS Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, ủng hộ bởi thực tế thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, mức học phí cao đã trở thành rào cản đối với nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành y.

“Ngoài việc học kéo dài, sinh viên y còn phải đi thực hành ở bệnh viện vô cùng vất vả. Sau khi ra trường, các em cần tiếp tục thực hành nghề nghiệp 12 tháng, học thêm ít nhất 18 - 24 tháng mới có thể hành nghề. Như vậy, ngành y từ lúc vào trường đến khi có thể hành nghề mất khoảng 8 - 9 năm. Do đó, nhiều em gia đình khó khăn muốn theo đuổi nghề y cũng không thể theo được”, PGS Mạnh nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, cho hay ngành y vốn đặc thù, có khối lượng học tập nặng và chi phí đào tạo tốn kém vì phải đầu tư máy móc, thiết bị, mẫu thực hành và chi phí đi lâm sàng tại bệnh viện.

“Nếu tất cả đều dựa vào nguồn thu học phí, người học sẽ không gánh nổi chi phí đào tạo”, PGS Tùng nói.

Ông Tùng cho biết hiện tại trường vẫn đang thực hiện tự chủ ở mức 3 - tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Ngoài học phí sinh viên đóng, nhà trường vẫn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước. Song với một số trường tự chủ toàn phần, học phí được xây dựng dựa trên chi phí đào tạo, thậm chí đã lên tới 60 – 80 triệu đồng.

“Rõ ràng, học phí sinh viên bỏ ra để học được nghề này cực kỳ tốn kém. Chưa kể một số lĩnh vực trong ngành y kém hấp dẫn như tâm thần, phong, lao... khiến sinh viên không mấy mặn mà. Nếu không có sự hỗ trợ về học phí, sinh viên sẽ không theo học những ngành này. Càng về sau, ngành y tế sẽ càng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực ấy”.

Do đó, PGS.TS Lê Thanh Tùng cho rằng Nhà nước cần phải hỗ trợ để sinh viên y có thể theo được nghề và nâng cao chất lượng đào tạo.

ttt 0824.jpg
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM (Ảnh: T.Tùng)

Chủ trương không khả thi

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM lại nhìn nhận, dù chủ trương đề xuất miễn học phí rất nhân văn, giúp giảm áp lực cho người học và thu hút nhân tài vào lĩnh vực y khoa, nhưng thực tế lại không khả thi.

Theo ông, hiện nay tất cả các quốc gia đều theo xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa, giảm chi phí của Nhà nước. Trong khi đó, ngành y có khối lượng đào tạo lớn nhất nhì hiện nay và chi phí đào tạo khá đắt đỏ. Nếu không có đóng góp từ nguồn lực xã hội sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho ngân sách. Trong khi Nhà nước vẫn còn nhiều vai trò khác như chăm lo sức khỏe người dân, chăm lo sự nghiệp học hành, phát triển kinh tế...

Chưa kể theo ông, việc miễn học phí đối với ngành y cũng không công bằng với các ngành nghề khác, chẳng hạn kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí, nông nghiệp... đều thiếu nhân lực và quan trọng cho sự phát triển của xã hội nhưng lại không được miễn học phí.

Mặt khác khi thực hiện miễn học phí, nếu không có chế tài cụ thể, rất khó gắn liền quyền lợi với trách nhiệm của người học, chẳng hạn sinh viên ra trường không làm đúng ngành. “Điều đó vô cùng lãng phí, chi bằng dùng khoản kinh phí ấy để trả cho những nhân viên y tế tích cực hoặc những bác sĩ trẻ để giúp họ có mức thu nhập tốt hơn”, ông nói.

Do đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng điều cần làm là nên cấp học bổng cho những sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng có năng lực học tập tốt, vượt trội. Mặc dù hiện nay các trường đều có các chính sách học bổng nhưng điều kiện để đạt được cũng không dễ. Do đó, không nhiều sinh viên dám “liều” vì không chắc trong vòng 6 năm luôn duy trì hạng nhất để giành được học bổng.

“Ngoài học bổng, nhà trường có thể cho sinh viên vay vốn để học. Khi cấp học bổng hay cho vay vốn, nhà trường nên đánh giá dựa trên quá trình học tập, thái độ, đạo đức và quyết tâm theo đuổi nghề của người học. Tôi tin rằng, khi giảm bớt gánh nặng kinh tế, các em sẽ yên tâm học tập và cống hiến với nghề”, PGS Dũng nói.

>> Sinh viên học ngành bán dẫn được đề xuất miễn, giảm học phí

Bộ Y tế sắp xếp sáp nhập, chuyển giao 4 bệnh viện tuyến trung ương

Bộ Y tế đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên y dược như sư phạm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mien-hoc-phi-cho-sinh-vien-nganh-y-nhan-van-thu-hut-nhan-tai-nhung-kho-kha-thi-2356473.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Miễn học phí cho sinh viên ngành y: Nhân văn, thu hút nhân tài nhưng khó khả thi
    POWERED BY ONECMS & INTECH