Thế giới

Mô hình ‘tái chế’ nước thải thành nước uống của California

Khánh Huyền 09/10/2024 - 17:48

Nước thải ở California, Mỹ, sẽ được tái chế thành nước sạch để dùng trực tiếp. Quy định mới này đánh dấu một bước ngoặt trong việc xử lý nước thải và đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch ổn định cho tiểu bang này trong tương lai.

Từ tháng 10/2024, bang California sẽ sử dụng nước thải từ cống và các nhà vệ sinh để xử lý và phân phối nguồn nước sạch trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Mickey Chaudhuri, Giám đốc Cục quản lý nước phía Nam California (MWD), khẳng định quy định này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho California mà còn là một mô hình sáng tạo cho các đô thị khác trên thế giới.

Theo ông Chaudhuri, việc tái chế nước sẽ giúp California thích ứng tốt hơn với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ bất thường. Việc tận dụng tối đa nguồn nước sẵn có, kể cả nước thải, sẽ giảm thiểu rủi ro thiếu nước trong tương lai.

Nước thải được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để sử dụng. Ảnh: Mario Tama
Nước thải được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để sử dụng. Ảnh: Mario Tama

Trong nhiều thập kỷ qua, các TP ở miền Nam California đã tái chế nước thải để tưới tiêu công viên, dải phân cách và sân gôn. Trước đây, nước thải được xử lý và bơm xuống tầng ngậm nước dưới lòng đất để lọc tự nhiên trước khi sử dụng. Tuy nhiên, quy định mới đây của bang đã cho phép đưa nước thải đã qua xử lý vào trực tiếp các nhà máy xử lý nước uống, sau đó phân phối đến người dân.

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng khiến nguồn nước của California đang bị đe dọa, dự kiến tiểu bang này sẽ mất 10% nguồn cung nước vào 2040. Để đối phó với tình hình này, chính quyền đang đẩy mạnh việc tái chế nước thải thành nước uống để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn nước tự nhiên. Các TP Santa Monica và Los Angeles, hiện đã đầu tư vào các nhà máy xử lý nước hiện đại để cung cấp nước sạch từ nguồn nước tái chế, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân trong tương lai.

“Dự án tái chế nước này sẽ giúp các đô thị tận dụng tối đa nguồn nước sẵn có, nhất là trong những năm khô hạn” - ông Chaudhuri nói.

Dự kiến đến giữa những năm 2030, California sẽ giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn nước bên ngoài nhờ vào nguồn nước tái chế. Trong những năm mưa, người dân có thể sử dụng nhiều nước tái chế hơn để tích trữ nước cho mùa khô. Ngược lại, vào mùa khô, nước tái chế sẽ bổ sung vào nguồn nước ngầm và đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho cộng đồng.

Nước tái chế ở California phải trải qua quá trình xử lý vô cùng nghiêm ngặt, thậm chí còn khắt khe hơn so với việc lọc nước tự nhiên qua tầng ngậm nước dưới lòng đất. Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng thực tế nước mưa khi rơi xuống đường phố lại chứa nhiều chất ô nhiễm hơn như dầu mỡ và kim loại nặng.

Ông Wang giải thích: “Nước thải sau khi qua xử lý thường sạch hơn nhiều so với nước mưa. Thậm chí, chúng tôi phải sử dụng nước thải pha loãng nước mưa để dễ xử lý hơn bởi nước mưa thường chứa nhiều chất ô nhiễm. Điều quan trọng là mọi người phải vượt qua suy nghĩ nước thải đến từ những nguồn nào”.

Ông Chaudhuri khẳng định: “Để đảm bảo chất lượng nước tái chế đạt tiêu chuẩn uống trực tiếp, các nhà máy xử lý sẽ áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong đó có công nghệ lọc bằng than hoạt tính sinh học”.

Việc xây dựng các nhà máy tái chế nước đòi hỏi sự đầu tư ban đầu lớn, điều này có thể dẫn đến giá nước tiêu dùng tăng lên, tùy khu vực và cơ sở cấp nước. Cơ sở tái chế nước hiện tại của MWD có công suất 150 triệu gallon mỗi ngày và dự kiến tiêu tốn khoảng 6 tỷ USD, trong khi cơ sở của Santa Monica với công suất 1 triệu gallon mỗi ngày có giá 96 triệu USD.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng nước tái chế vẫn là giải pháp kinh tế hơn so với các nguồn nước khác trong dài hạn. Nước biển khử muối có chi phí rất cao, còn giá nước nhập khẩu cũng tăng do hạn hán và hệ thống đường ống cũ kỹ.

“Tái sử dụng nước trực tiếp là giải pháp tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp khác. Điều này là bởi việc xây dựng giếng ngầm rất tốn kém và khó tìm vị trí phù hợp, đặc biệt là ở những đô thị đông đúc. Ngoài ra, việc cải tạo các nguồn nước ngầm bị ô nhiễm cũng rất phức tạp và tốn kém” - ông Wang chia sẻ.

Dự án tái chế nước của MWD đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, chỉ còn một vài công đoạn cuối cùng là hoàn tất toàn bộ hệ thống. Trước khi đưa dự án vào vận hành, MWD đang cân nhắc kỹ lưỡng về tác động của tái chế nước đối với giá nước sinh hoạt. Để triển khai các dự án quy mô lớn như vậy, các TP cần có sự hỗ trợ về tài chính từ các cấp chính quyền nhằm đảm bảo giá nước không tăng quá cao và ảnh hưởng đến người dân.

>>Các khu đô thị mới phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải

Các khu đô thị mới phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải

Quốc gia châu Âu vận hành máy bơm nhiệt lớn nhất cả nước: Dùng 65 triệu lít nước thải để sưởi ấm cho 20.000 hộ gia đình, giảm 30.000 tấn khí thải CO2

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/mo-hinh-tai-che-nuoc-thai-thanh-nuoc-uong-cua-california.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mô hình ‘tái chế’ nước thải thành nước uống của California
    POWERED BY ONECMS & INTECH