Mỏ vàng trữ lượng 470 tấn nằm sâu 2.000m dưới đáy biển: Huy động 1.000 công nhân mở 67 cuộc thăm dò, công nghệ cao vào cuộc
Sự xuất hiện của mỏ vàng ở nước láng giềng Việt Nam từng gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người quan tâm.
Dưới lòng đại dương bao la, nhiều bí ẩn vẫn đang chờ đợi con người khám phá. Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng lên đến 470 tấn. Mỏ vàng này nằm gần một hòn đảo thuộc thị xã Lai Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và là mỏ vàng dưới biển đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này. Khám phá trên không chỉ chứng minh rằng đại dương là nguồn cung cấp tài nguyên hải sản phong phú mà còn ẩn chứa những "kho báu" vô giá.
Sơn Đông từ lâu đã nổi tiếng là một trong những "cái nôi" sản xuất vàng của Trung Quốc. Các chuyên gia khẳng định rằng mỏ vàng này nằm sâu khoảng 2.000m dưới đáy biển. Để phát hiện ra nó, các nhà khoa học đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ.
Sau ba năm miệt mài nghiên cứu, các nhà khoa học địa chất tại Sơn Đông mới có thể tìm ra được kho vàng ẩn sâu dưới lòng biển. Họ đã huy động tới 1.000 công nhân, tổ chức 67 giàn khoan thăm dò khác nhau với tổng chiều dài 120km dưới biển sâu. Thời gian đầu, các giàn khoan không đạt được kết quả như mong đợi, buộc nhóm nghiên cứu phải tạm dừng hoạt động để khảo sát thêm. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng họ đã phát hiện được mỏ vàng 470 tấn nằm sâu dưới biển.
Việc xây dựng giàn khoan sâu 2.000m dưới đáy biển là một thách thức lớn đối với nhóm nghiên cứu, đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Sau nhiều khó khăn, Trung Quốc đã thành công trong việc này nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Cụ thể, các kỹ sư đã cung cấp cho hệ thống AI những dữ liệu chi tiết về địa chất và địa vật lý, từ đó tạo ra một mô hình 3D chính xác về môi trường làm việc dưới biển, giúp tối ưu hóa thiết kế và vận hành giàn khoan.
Trong quá trình khoan, AI đóng vai trò như một trợ lý đắc lực, tự động thu thập và phân tích dữ liệu về địa chất, địa tầng và môi trường xung quanh giếng khoan trong thời gian thực. Dựa trên các dữ liệu này, AI sẽ điều chỉnh các thông số khoan để đảm bảo quá trình diễn ra an toàn và hiệu quả.
Sau đó, AI sẽ tiếp tục phân tích các dữ liệu mới nhất, kết hợp với những thông tin đã biết để xác định chính xác vị trí, kích thước, hình dạng và đặc điểm của lớp đất đá chứa vàng. Từ đó quá trình khai thác trở nên hiệu quả và chính xác hơn. Những thành tựu này cho thấy sự đột phá của Trung Quốc trong việc khai thác kho báu dưới biển.
Vàng từ xưa đến nay luôn được coi là tài sản giá trị, quý báu, và là kênh đầu tư quan trọng đối với nhiều người. Việc nhiều quốc gia đẩy mạnh tìm kiếm và khai thác vàng trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.