Lạm phát tăng cao khiến người Mỹ phụ thuộc vào thẻ tín dụng, đẩy dư nợ lên mức kỷ lục gần 1.000 tỷ USD.
CNBC dẫn dữ liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, dư nợ thẻ tín dụng của người dân nước này đạt mức cao kỷ lục, lên đến gần 988 tỷ USD. Trung bình mỗi chủ thẻ tín dụng có dư nợ 5.733 USD.
Trong đó, những người trong độ tuổi 40-49 có khoản nợ thẻ tín dụng trung bình khoảng 7.600 USD, còn độ tuổi 18-29 có khoản nợ thấp nhất, vào khoảng 2.900 USD, theo TransUnion. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết nhóm này mới chỉ bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng.
Dư nợ thẻ tín dụng trung bình của người Mỹ tính theo độ tuổi qua các năm. |
“Lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm trở lại đây khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ sử dụng thẻ tín dụng như một phương pháp chi tiêu để quản lý ngân sách, dẫn đến số dư cao kỷ lục”, Michele Raneri, Phó chủ tịch Nghiên cứu và Tư vấn tại TransUnion, trình bày trong báo cáo chuyên sâu về ngành tín dụng quý 1.
Bên cạnh đó, “dư nợ thẻ tín dụng ở mức cao phản ánh thực tế rằng ngày càng nhiều người dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày (dù cũng có một yếu tố là người tiêu dùng sử dụng tiền mặt ít hơn và dùng thẻ vì sự tiện lợi, điểm thưởng và khả năng thanh toán tức thì)”, ông Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate cho biết.
Theo The Wall Street Journal, tình trạng tài chính khó khăn khiến người tiêu dùng Mỹ bắt đầu phải sử dụng hình thức mua trước trả sau (Buy Now Pay Later) đối với cả những món đồ sinh hoạt hay nhu yếu phẩm cần thiết trong gia đình.
Việc Fed tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể tháng 3/2022 nhằm kiềm chế lạm phát đã đẩy lãi tín dụng lơ lửng trên 20%/năm, theo cập nhật vào ngày 31/5 của Bankrate.
Lạm phát cao dai dẳng có khả năng khiến cho vấn đề nợ thẻ tín dụng thêm trầm trọng vì hai lý do.
Thứ nhất, giá cả tăng nhanh làm chi tiêu của người dân thêm cao, đồng nghĩa nhu cầu vay nợ qua thẻ tín dụng lại càng lớn. Thứ hai, Fed sẽ chịu thêm áp lực nâng lãi suất quỹ liên bang để kiềm chế lạm phát, khiến cho lãi suất thẻ tín dụng lên cao hơn.