Một bộ phận trong cơ thể là cơ quan nội tạng lớn nhất, gánh đến 500 nhiệm vụ, quan trọng chỉ sau não
Đây là cơ quan nội tạng lớn nhất, đảm nhiệm hàng trăm vai trò khác nhau giúp mọi chức năng trong cơ thể chúng ta hoạt động ổn định.
Ngoài não, gan được biết đến là cơ quan quan trọng thứ hai trong cơ thể con người, gan hình nêm, xốp, màu nâu đỏ, kích thước tùy thuộc vào chiều cao và cân nặng của mỗi người. Gan thực hiện cùng lúc hàng trăm chức năng để duy trì sự sống. Cơ quan này đồng thời cũng được xem là một tuyến bởi có chức năng sản xuất protein và hormone, hỗ trợ hoạt động của các bộ phận khác trong cơ thể.
Theo chuyên gia về gan Hellan Kwon từ Đại học Michigan, gan thực hiện tới 500 nhiệm vụ quan trọng để duy trì sức khỏe của cơ thể. Một số chức năng có thể kể đến bao gồm loại bỏ độc tố, sản xuất mật, lưu trữ vitamin và khoáng chất... Trong số đó, có những vai trò đặc biệt quan trọng chúng ta cần biết đến để từ đó có thể hiểu hơn về sự ảnh hưởng của gan đối với sức khỏe.
Chức năng dự trữ
Với cấu tạo đặc thù mà gan được xem là cơ quan nhận được nhiều máu nhất trong cơ thể và thực hiện chức năng dự trữ máu. Lượng máu này sẽ được gan chuyển vào hệ tuần hoàn khi cơ thể cần.
Khi thực hiện chức năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng, chất bột đường (glucid) sẽ được chuyển hóa thành glycogen và được dữ trữ trong gan. Khi chúng ta bị hạ đường huyết, gan sẽ phân hủy glycogen thành glucose đi vào máu giúp ổn định đường huyết. Chính vì chức năng này nên gan có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết của cơ thể. Ngoài ra gan cũng dự trữ vitamin và khoáng chất, sẽ chuyển chúng lại vào máu khi cơ thể cần.
Đào thải độc tố
Hằng ngày cơ thể chúng ta có nguy cơ nhiễm phải các chất độc từ nhiều nguyên do khác nhau. Chất lượng không khí không đảm bảo, ăn thực phẩm nhiễm độc, chế độ sinh hoạt không khoa học khiến cơ thể tự sản sinh ra các chất độc hại là các tác nhân khiến cơ thể ta dung nạp nhiều độc tố. Khi đó nếu gan không hoạt động tốt chức năng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể thì chắc chắn sức khỏe chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh những vai trò quan trọng trên thì gan còn vô số các chức năng khác như sản xuất ra mật hỗ trợ tiêu hóa, làm sạch máu thông qua việc lọc máu và hỗ trợ đông máu cùng nhiều chức năng khác. Có thể thấy gan giữ vai trò vô cùng quan trọng cho cơ thể chúng ta. Vì vậy việc bảo vệ gan là điều tất yếu nhằm duy trì các chức năng của gan luôn ở trạng thái hiệu quả nhất.
Chuyển hóa các chất dinh dưỡng
Một trong các chức năng diễn ra vô cùng phức tạp của gan là chuyển hóa các chất có được từ thực phẩm ăn vào thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thụ được.
Thức ăn sau khi qua giai đoạn tiêu hóa ở ruột, các chất theo máu đi vào gan, tại đây gan sẽ chuyển hóa chất bột đường, chất đạm và chất béo. Các chất dinh dưỡng này theo máu đi khắp cơ thể cung cấp năng lượng cũng như nuôi sống cơ thể.
Vì đảm nhiệm nhiều vai trò nên đôi khi gan sẽ phải đối mặt với tình trạng tổn thương. Lâu dần, nếu những tế bào gan không được làm sạch, độc tố tích tụ tại gan sẽ trở thành nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, thậm chí là xơ gan, ung thư gan.
Một số dấu hiệu cho thấy gan cần được giải độc có thể kể đến như vàng da và mắt, cơ thể mệt mỏi, khả năng tập trung kém, nước tiểu đậm màu, tiêu hóa kém, thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng. Để có thể thải độc gan giúp cải thiện sức khoẻ, bạn có thể tuân thủ theo các bí quyết sau đây để gan trở lại hoạt động hiệu quả.
Duy trì cân nặng ổn định
Duy trì cân nặng ổn định là một trong những bước quan trọng để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như: Viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan, hoặc bệnh gan nhiễm mỡ. Theo Cẩm nang MSD Manual, béo phì được xác định khi chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥30 kg/m².
Tình trạng này là nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng béo phì ảnh hưởng đến khoảng 25% dân số thế giới, dẫn đến hàng loạt các bệnh lý bao gồm từ nhiễm mỡ đơn giản (tích tụ chất béo trong gan) tiến triển thành xơ gan và ung thư gan, và dự kiến sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ghép gan vào năm 2020.
Bạn hãy thực hiện các biện pháp giảm cân và duy trì cân nặng ổn định, tuy nhiên, cần lưu ý không giảm quá 1,6kg/tuần. Bằng cách thay đổi thói quen sống lành mạnh, rèn luyện thể chất, chế độ dinh dưỡng khoa học, ngủ sớm, giảm các thực phẩm nhiều đường và ngưng sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn, có thể giúp phòng ngừa các bệnh lý về gan. Quá trình này tuy có phần khó khăn nhưng là bước đầu tiên để giúp giảm nồng độ men gan, insulin và lượng mỡ tích tụ trong gan.
Chế độ ăn uống cân bằng
Thiết lập chế độ dinh dưỡng cân đối là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ tăng cường chức năng gan. Bạn nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, mỡ, nội tạng động vật, thức ăn chiên/xào nhiều dầu mỡ, chất béo không lành mạnh dễ làm ảnh hướng đến gan. Các thức ăn không lành mạnh cho gan như: kem, pho mát, da gà, sốt salad kem, đồ nướng, món tráng miệng nhiều đường và tinh bột,…
Thay vào đó, bạn hãy lựa chọn các loại rau xanh, ví dụ như cải xoăn để giúp gan chống lại các gốc tự do và hỗ trợ quá trình giải độc; Bổ sung nhiều loại trái cây giàu dinh dưỡng như bưởi chứa vitamin C và pectin giúp gan loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu, giảm cholesterol, giảm tích tụ mỡ và ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ.
Bên cạnh đó, các loại hạt giàu chất xơ, vitamin, omega-3, khoáng chất và chất chống oxy hóa cũng giúp gan giải độc, giảm viêm và xơ hóa. Các loại thực phẩm này còn giúp ngăn ngừa táo bón và loại bỏ amoniac, một chất gây độc cho não. Thêm vào đó, bạn nên sử dụng cá béo, thịt gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa ít béo thay vì thịt đỏ và mỡ động vật. Bởi vì các loại thức ăn này sẽ cung cấp protein, axit béo omega-3 và canxi tốt cho gan. Protein giúp tái tạo tế bào gan, omega-3 giúp giảm viêm gan và canxi giúp ngăn ngừa sỏi mật.
Các loại gia vị như nghệ, tỏi, gừng, quế, hạt tiêu và rau mùi cũng có thể sử dụng để kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiết mật và bảo vệ gan khỏi các chất độc hại.
Hạn chế bia rượu
Hiện nay Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ uống rượu bia đáng báo động. Trung bình mỗi người tiêu thụ 6,4 đơn vị rượu bia mỗi ngày, 26,1 đơn vị mỗi tuần, cao gấp 6 lần chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mỗi năm người Việt tiêu thụ đến 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu. Đây là những con số đáng báo động, giải thích vì sao số lượng người mắc các bệnh về gan đang không ngừng tăng lên.
Bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, ngừng hẳn việc sử dụng rượu bia là cách tốt nhất để bảo vệ gan khỏi những tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là ung thư gan.
Những người thường hay uống rượu bia cần theo dõi sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán và điều trị sớm các tổn thương ở gan. Tốt nhất, để phòng ngừa các tổn thương ở gan do rượu thì nên hạn chế lượng rượu bia nạp vào cơ thể, tức là không uống quá 1-2 ly bia hoặc 1 chén rượu nhỏ (50ml/ngày).
Luyện tập thể dục đều đặn
Tập luyện thể thao thường xuyên là một trong các biện pháp tăng cường chức năng gan tốt nhất. Hoạt động thể chất giúp đốt cháy calo và chất béo, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường lưu thông máu, cung cấp oxy cho gan và hỗ trợ chức năng gan.
Bạn hãy cố gắng tham gia các hoạt động thể thao, có thể là: đi bộ nhanh, nhảy dây, chạy bộ, bơi lội, cầu lông, bóng đá,… với tổng thời gian 150 phút/tuần (30 phút mỗi ngày, tập luyện 5 ngày trong tuần). Những hoạt động này sẽ kích thích sự co bóp túi mật và giải phóng dịch mật, thúc đẩy quá trình tiêu hóa dễ dàng và ngăn ngừa sỏi mật.
Bên cạnh đó, hoạt động thể chất còn làm tăng sản xuất chất chống oxy hóa nội sinh, bảo vệ gan khỏi stress oxy hóa và tổn thương do gốc tự do.
9 dấu hiệu cảnh báo ung thư gan giai đoạn đầu phổ biến nhất nhưng hiếm ai để ý