Một doanh nghiệp 6 nhân sự gánh hơn nghìn tỷ nợ vì rót trái phiếu vào dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan
Chỉ sau một năm, nợ của Huy Dương Group tăng gần 60 lần, chủ yếu từ trái phiếu rót vào dự án nghỉ dưỡng từng là thương vụ chuyển nhượng với bà Trương Mỹ Lan.
Tăng vốn gấp ba, nợ phình to gần 60 lần chỉ sau một năm
Chỉ trong vòng một năm, Công ty Cổ phần Huy Dương Group – một doanh nghiệp còn khá xa lạ với công chúng – đã có cú “lột xác” ngoạn mục cả về vốn chủ sở hữu và quy mô nợ.
Tuy nhiên, phía sau sự mở rộng tài chính thần tốc ấy là một câu chuyện phức tạp, với những mối liên hệ đầu tư, phát hành trái phiếu và tham vọng tại dự án nghỉ dưỡng hàng nghìn tỷ đồng tại Quy Nhơn. Tâm điểm trong mối quan hệ chằng chịt này chính là Đầu tư MST – cái tên quen thuộc trong giới bất động sản.
Theo văn bản công bố thông tin gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tính đến cuối năm 2024, Huy Dương Group ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt 150 tỷ đồng, gấp ba lần so với đầu năm. Đáng chú ý hơn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đã tăng vọt từ 20 tỷ đồng lên 1.178,6 tỷ đồng – tức gấp gần 59 lần so với đầu năm và cao hơn 7,8 lần so với vốn chủ sở hữu.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng đột biến này là do phát sinh dư nợ trái phiếu trị giá 894 tỷ đồng và vay ngân hàng tăng mạnh từ 4,26 tỷ lên 200 tỷ đồng. Các khoản nợ khác cũng tăng từ 16 tỷ lên 84,6 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vì thế cũng leo thang, từ mức 0,4 lên tới 7,85 lần.
Dù vậy, khả năng thanh toán ngắn hạn và nhanh của doanh nghiệp lại được cải thiện – lần lượt đạt 11,44 và 9,97 vào cuối năm, trong khi hệ số thanh toán lãi vay đạt 1,29 – tăng nhẹ so với đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2024, Huy Dương Group ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 57 triệu đồng, tăng 26% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 45,8 triệu đồng. Dù tăng trưởng tích cực, nhưng con số tuyệt đối vẫn rất khiêm tốn so với quy mô nợ hàng nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp đang gánh.
![]() |
Nguồn: HNX |
>> Một ‘ông lớn’ ngành dược gửi 45% tài sản vào ngân hàng, thu lãi gấp 5 lần chi phí đi vay
Công ty Cổ phần Huy Dương Group được thành lập vào tháng 6/2020, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện, vốn điều lệ ban đầu chỉ 100 triệu đồng. Trải qua nhiều lần thay đổi, đến tháng 7/2024, vốn đã tăng lên 150 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng vọt lên 450 tỷ đồng vào tháng 5/2025.
Cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp cũng liên tục biến động. Từ ông Nguyễn Mạnh Tân (giám đốc sáng lập), đến ông Đỗ Trọng Cương vào tháng 8/2023, rồi chuyển sang ông Trần Tiến Nhật (sinh năm 2000) vào tháng 5/2025. Cũng trong thời điểm này, Huy Dương Group chỉ có vỏn vẹn 6 nhân sự được công bố, nhưng lại đứng tên lô trái phiếu 900 tỷ đồng.
Ngoài vai trò tại Huy Dương, ông Trần Tiến Nhật còn đại diện pháp luật của nhiều đơn vị khác như Công ty cổ phần xăng dầu Hưng Yên và hộ kinh doanh Tiến Nhật.
Lô trái phiếu 900 tỷ đồng và “bệ phóng” Greenhill Village
Tháng 12/2024, Huy Dương Group phát hành lô trái phiếu mã BHDCH2429001 trị giá 900 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12,5%/năm. Đây là nhân tố chính đẩy quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp lên gần 1.200 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là toàn bộ số tiền huy động được dành để góp vốn theo Hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC) ký với Công ty Cổ phần Đầu tư MST – nhằm phát triển dự án Greenhill Village tại Quy Nhơn. Hợp đồng được ký ngày 7/11/2024, và chỉ hai ngày trước khi phát hành trái phiếu, Huy Dương Group đã mang hợp đồng hợp tác này thế chấp tại một ngân hàng.
Dự án Greenhill Village do Công ty CP Greenhill Village làm chủ đầu tư, có quy mô gần 17ha tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, bao gồm 500 căn hộ du lịch, 145 biệt thự và 5 bungalow tiêu chuẩn 5 sao. Dự án được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận đầu tư từ năm 2018, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh vào năm 2022 là gần 2.600 tỷ đồng.
Greenhill Village từng dính đến ồn ào pháp lý khi ông Tạ Hùng Quốc Việt – cổ đông sáng lập kiêm cựu Chủ tịch HĐQT của Greenhill Village – thừa nhận đã nhận 14,5 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan để bán dự án. Sau khi bà Lan bị bắt, ông Việt đã nộp lại toàn bộ số tiền nói trên cho cơ quan điều tra.
Đầu tư MST – “ông chủ” thực sự phía sau dự án?
Dù chỉ sở hữu 18% vốn Greenhill Village, song Đầu tư MST mới là người cầm trịch thực sự của dự án. Ngày 29/11/2024, MST trúng đấu giá toàn bộ khoản nợ (495 tỷ đồng) của Greenhill Village tại VietinBank – Chi nhánh Thủ Thiêm, với giá trúng bằng giá khởi điểm là 410 tỷ đồng. Khoản nợ này bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt quá hạn. Tài sản bảo đảm là toàn bộ lợi ích từ quyền sử dụng đất và các khoản thu từ dự án Greenhill Village.
Không dừng lại ở đó, MST còn ký hợp đồng tổng thầu EPC với chủ đầu tư Greenhill Village để triển khai xây dựng toàn bộ dự án. Giá trị hợp đồng lên tới hơn 2.014 tỷ đồng (chưa VAT), thời gian thi công kéo dài 5 năm. MST đồng thời là cổ đông, tổng thầu EPC và đơn vị đã mua lại toàn bộ khoản nợ cùng tài sản bảo đảm của Greenhill Village từ VietinBank, qua đó cho thấy vai trò chi phối đáng kể tại dự án này.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 của MST, doanh nghiệp này sở hữu 19% vốn Huy Dương Group và có khoản phải trả ngắn hạn 360 tỷ đồng với nội dung “hợp tác kinh doanh với Huy Dương Group”. Nói cách khác, lô trái phiếu 900 tỷ đồng của Huy Dương gần như là một mắt xích tài chính cho chuỗi dự án mà MST đang triển khai.
![]() |
MST hiện sở hữu 19% cổ phần Huy Dương Group và 18% cổ phần Greenhill Village. (Nguồn: BCTC quý II/2025 của MST) |
>> Chủ sở hữu Zalo muốn vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng
Khác với Huy Dương Group, Đầu tư MST là cái tên đã quen thuộc trong giới bất động sản. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của hàng loạt dự án đáng chú ý như I-Tower (The Sailing Quy Nhơn), khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Ba Vì (Hà Nội), shophouse tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội), và gần đây nhất là liên danh trúng thầu dự án Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.
Báo cáo tài chính quý II/2025 của MST cho thấy doanh thu thuần đạt 367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 3,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MST đạt doanh thu 731 tỷ và lợi nhuận 10,6 tỷ đồng – hoàn thành 15,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2025 (68,2 tỷ đồng).
Không chỉ đầu tư trực tiếp, MST còn tận dụng các cấu trúc tài chính tinh vi để tiếp cận các dự án lớn – thông qua sở hữu gián tiếp, tổng thầu EPC, mua nợ xấu, hoặc hợp tác với các doanh nghiệp “vệ tinh” như Huy Dương Group.
Cập nhật BCTC quý II/2025: Thêm nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng đột biến so với cùng kỳ
Từ 1/7, dùng số định danh thay mã số thuế: Gần 15 triệu MST vẫn chưa chuẩn hóa sẽ ra sao?