Sân bay này sẽ là quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, sau khi hoàn thành xây dựng nhà ga thứ hai dự kiến công suất 7 triệu hành khách/năm.
Ngày 13/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao các sở ngành và địa phương liên quan triển khai các nội dung hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) theo nội dung kết luận của Thường trực Tỉnh ủy.
Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng, số lượng chuyến bay của Vietnam Airlines đến và đi từ sân bay Liên Khương giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Hiện nay, chỉ còn 2 đường bay nội địa Liên Khương - TP. HCM và Liên Khương - Hà Nội. Do đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị Vietnam Airlines nghiên cứu, tăng tần suất các chuyến bay đi và đến Liên Khương - Nội Bài, Liên Khương - Tân Sơn Nhất để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu mở mới, khai thác các đường bay quốc tế từ Liên Khương tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng, nhằm kích cầu lượng khách du lịch quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Sân bay Liên Khương sẽ được nâng cấp lên thành CHK quốc tế. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng, từ sau dịch Covid–19 đến nay, mỗi năm Đà Lạt đón khoảng chín triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận việc thiếu các đường bay ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 648 ngày 7/6/2023 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Liên Khương là CHK quốc tế đón 5 triệu khách/năm.
Liên Khương sẽ là CHK quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Khi có các đường bay thường lệ quốc tế đi - đến sân bay này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Sân bay Liên Khương sẽ có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 5 triệu hành khách/năm. Định hướng đến năm 2050, CHK quốc tế này có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 7 triệu hành khách/năm.
Trong giai đoạn đến năm 2030, CHK quốc tế Liên Khương sẽ xây dựng nhà ga hành khách T2 công suất 3 triệu hành khách/năm ở phía Đông của nhà ga hành khách T1 hiện hữu; khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 5 triệu hành khách/năm.
Dự kiến khi xây xong nhà ga hành khách T2, năm 2050, CHK quốc tế Liên Khương sẽ khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 7 triệu hành khách/năm.
Chính quyền tỉnh cũng giao các sở và cơ quan liên quan có ý kiến về những nội dung đề xuất về quảng bá hình ảnh, chính sách ưu đãi giá thuê nhà/đất thuộc sở hữu nhà nước...
>> 'Thủ phủ công nghiệp' lớn nhất Đông Nam Bộ ấn định thời gian khởi công đại dự án 36.000 tỷ đồng
Sân bay Đà Lạt hay sân bay Liên Khương được người Pháp xây dựng vào năm 1933. Những năm 1956-1960, sân bay do người Mỹ tiếp quản đã được tu sửa và nâng cấp với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, khả năng phục vụ đến 50.000 hành khách/năm.
Từ sau năm 1975, sân bay được Quân đội nhân dân Việt Nam điều hành, chuyên phục vụ quân sự và vận chuyển dân đi vùng kinh tế mới. Đến năm 1981-1985, sân bay Liên Khương được đưa vào để phục vụ các chuyến bay dân sự, tuy nhiên bị tạm ngừng vì lượng hàng khách ít. Cho đến năm 1992, cảng hàng không này mới hoạt động trở lại và bắt đầu khai thác thêm nhiều đường bay đa dạng.
Sau đó, sân bay được tu sửa nâng cấp lại, lấy hình ảnh mô phỏng theo cánh hoa dã quỳ - loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Đồng làm thiết kế chính. Hiện nay, sân bay là một trong những điểm du khách check-in đông đảo khi đến với thành phố này.