Tại thời điểm ngày 31/3, Y tế Việt Nhật (JVC) đang có khoản nợ xấu 1.230 tỷ đồng, gấp gần 2 lần tổng tài sản. Đây là hệ lụy từ sự kiện cách đây 10 năm.
CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC) vừa bổ sung 2 ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới cho doanh nghiệp gồm: kho bãi và lưu giữ hàng hóa; kinh doanh bất động sản (không thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng).
Đây là hướng đi mới với JVC bởi trước đó bởi công ty chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực y tế, phòng khám và đầu tư tài chính.
Năm 2023, JVC ghi nhận doanh thu thuần 576,8 tỷ đồng đến từ 3 mảng là bán hàng hóa 453,8 tỷ đồng (chiếm 78,7%), liên kết thiết bị ý tế 89 tỷ đồng (chiếm 15,4%), còn lại là dịch vụ 34 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty là 52,6 tỷ đồng. Công ty chuyển nhượng lĩnh vực khám sức khỏe để tập trung vào kinh doanh thiết bị y tế và vật tư tiêu hao.
Năm 2024, JVC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 638 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 31 tỷ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, JVC mang về 118,8 tỷ đồng doanh thu và 6,8 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt hoàn thành 18,6% và 21,9% kế hoạch năm.
Ảnh minh họa |
1.229,7 tỷ đồng nợ xấu, hệ quả từ lứa lãnh đạo cũ
Tại thời điểm ngày 31/3 tổng tài sản của JVC là 687,8 tỷ đồng, trong đó, khoản đầu tư vào các công ty tài chính để kiếm lợi nhuận là 172,4 tỷ đồng (chiếm 25%) và khoản phải thu là 286 tỷ đồng (chiếm 41,6%).
Đáng chú ý, công ty đang có khoản nợ xấu lên đến 1.229,7 tỷ đồng, gấp gần 2 lần tổng tài sản hiện tại. Đây chính là hệ quả từ giai đoạn năm 2015, thời điểm ông Lê Văn Hướng - cựu Chủ tịch HĐQT của JVC bị bắt giữ, công ty dần bị phanh phui về hàng loạt giao dịch chui với các công ty liên quan mà chưa được HÐQT hay đại hội đồng cổ đông thông qua. JVC đã thực hiện các giao dịch bảo lãnh, bán hàng, mua hàng, tạm ứng, thanh toán hộ và đầu tư góp vốn vào các dự án liên kết thiết bị y tế.
Trước đó, vào đầu năm 2015, JVC có phát hành 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về 750 tỷ đồng. Số tiền này gần như "bốc hơi" và kiểm toán cho biết không biết khoản vốn đã dùng đúng mục đích hay chưa.
Sau đó, JVC phải trích lập các khoản dự phòng liên quan và số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng gần như không có khả năng thu hồi. Tại ĐHĐCĐ năm 2023, khi được chất vấn về số tiền trên, HĐQT cũng chỉ trả lời nợ xấu từ thời kỳ trước và quá lớn, công ty sẽ nghiên cứu phương án, nếu có sẽ báo cáo cổ đông.
'Ôm mộng' phát hành sau 10 năm
Trong năm 2024, JVC có lên kế hoạch chào bán 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 10.000 đồng cho nhà đầu tư. Số tiền thu về ước tính 250 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Nếu thành công, JVC sẽ huy động được vốn sau tròn 10 năm từ "sự cố".
Trên thị trường, kết phiên ngày 24/5, giá cổ phiếu JVC ở mức 3.540 đồng/cp, thấp hơn 64,6% so với giá muốn chào bán. Tính từ đỉnh tháng 3/2022, cổ phiếu này đã giảm 75% và chưa có dấu hiệu hồi phục khi đã đi sideway trong suốt 18 tháng qua.
>> Cựu lãnh đạo Y tế Việt Nhật bán hơn 5,6 triệu cổ phiếu JVC, không còn là cổ đông lớn
Tái xuất sàn UPCoM, bộ đôi cổ phiếu POM - QBS cùng tăng hàng chục %
Dự án Khách sạn Yên Bái 1.200 tỷ đồng của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có diễn biến mới