Một tuần nữa, tuyến cao tốc hơn 19.600 tỷ nối TP. HCM với tỉnh có 16 cửa khẩu sẽ ‘ấn nút’ khởi công
Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 220ha, trong đó có hơn 6,1ha đất ở, hơn 190ha đất nông nghiệp và khoảng 1,4ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Theo báo Lao Động, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM – cho biết, lễ động thổ tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) sẽ diễn ra vào ngày 19/4 tới, bắt đầu bằng gói thầu rà phá bom mìn.
Dự án sẽ tiếp tục được khởi công phần đường gom dân sinh và các cầu vượt ngang vào ngày 2/9/2025 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Sau đó, tuyến cao tốc chính sẽ được triển khai từ tháng 1/2026 theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2027.
> > Không sản xuất trên đất nông nghiệp có được tiếp tục sử dụng nữa không?

Tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa bàn TP. HCM dài hơn 24,7km, đi qua 11 xã thuộc huyện Củ Chi. Tuyến được xây dựng trước với quy mô 4 làn xe, nhưng công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, bao gồm cả đường gom dân sinh và các nút giao lớn như Vành đai 3, Tỉnh lộ 8 cùng các cầu vượt ngang tuyến.
Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 220ha, trong đó có hơn 6,1ha đất ở, hơn 190ha đất nông nghiệp và khoảng 1,4ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở. Dự kiến có khoảng 2.177 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi công tác thu hồi đất, trong đó 254 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư và khoảng 178 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.
UBND TP. HCM mới đây đã phê duyệt Dự án thành phần 3 – công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn TP. HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 5.052 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chiếm hơn 4.333 tỷ đồng. Phương án chi tiết dự kiến được lập và phê duyệt trong quý II/2025, còn việc chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng sẽ diễn ra từ quý III đến quý IV/2025.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài sẽ trở thành tuyến kết nối ngắn nhất giữa TP. HCM và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), góp phần giảm tải áp lực cho Quốc lộ 22, tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa TP. HCM và Campuchia, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế khu vực.
Tỉnh Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò cầu nối chiến lược giữa TP. HCM và thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Tỉnh sở hữu đường biên giới dài 240km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Dọc tuyến biên giới này có 15 đồn biên phòng cùng 16 cửa khẩu, trong đó nổi bật là 3 cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam. Bên cạnh đó, 3 cửa khẩu chính gồm Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân, cùng 10 cửa khẩu phụ, góp phần tạo thành mạng lưới giao thông và liên kết vùng rộng khắp.