Tòa nhà chọc trời từng kỳ vọng là biểu tượng TP. HCM, cao thứ 3 Việt Nam nay là khối bê tông hoang hóa làm xấu bộ mặt thành phố
Tòa nhà tọa lạc trên ‘đất vàng’ TP. HCM nhiều năm qua hoang hóa và là công trình ảnh hưởng xấu đến diện mạo thành phố.
Từng được kỳ vọng là biểu tượng kiến trúc mới của TP. HCM, tòa nhà Saigon One Tower có tên gọi ban đầu là Saigon M&C Tower tọa lạc ngay góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt, quận 1. Dự án nằm bên sông Sài Gòn, đối diện khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xem là một trong những khu đất đắt giá nhất trung tâm thành phố.
Với quy mô hơn 6.670m2, tổng vốn đầu tư ban đầu 265 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng thời điểm 2007), dự án được thiết kế gồm 42 tầng nổi, 5 tầng hầm, diện tích sàn khoảng 123.000m2 với chức năng tổ hợp văn phòng, căn hộ cao cấp, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại.

Khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower nhanh chóng thu hút sự chú ý khi đặt tham vọng trở thành tòa nhà cao thứ ba Việt Nam. Tuy nhiên, sau 4 năm thi công và đã hoàn thành khoảng 80% phần thô, dự án bất ngờ ngừng thi công vào năm 2011 do khó khăn tài chính. Kể từ đó, tòa nhà trở thành khối bê tông khổng lồ bị "đắp chiếu" suốt hơn một thập kỷ, là công trình ảnh hưởng xấu đến diện mạo thành phố.
Chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C - liên doanh giữa Công ty TNHH Đất Thủ đô và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Sau đó, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower, kéo theo sự thay đổi tên gọi của dự án. Khi dự án rơi vào bế tắc, một năm sau, Đất Thủ đô thoái vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông mới gồm DongA Bank, Công ty Chứng khoán DongA và PNJ. Tuy nhiên, đến năm 2015, cả Saigontourist và PNJ cũng lần lượt thoái vốn.

Dự án sau đó bị thế chấp cho khoản vay tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng tại Maritime Bank và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng. Cuối năm 2015, Cục Thuế TP. HCM ra thông báo phong tỏa hóa đơn do chủ đầu tư nợ thuế hơn 4,6 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức thu giữ dự án để xử lý khoản nợ xấu. Năm 2018, Saigon One Tower được VAMC đưa ra đấu giá với mức khởi điểm hơn 6.110 tỷ đồng, bao gồm 14.954m2 diện tích thương phẩm, quyền khai thác tầng hầm, văn phòng và các tiện ích phụ trợ. Tuy nhiên, qua nhiều lần đấu giá, dự án vẫn không tìm được chủ mới.
Một tia hy vọng le lói vào năm 2021 khi dự án xuất hiện máy móc và công nhân thi công trở lại, tòa nhà được đổi tên thành IFC One Saigon. Chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land, thành lập năm 2019 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng được nhắc đến là đối tác của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại thời điểm đó và đang sở hữu một số dự án quy mô khác như tứ giác Bến Thành, cách Saigon One Tower không xa.

Đến tháng 8/2022, diện mạo tòa nhà gây chú ý khi được thay mới toàn bộ lớp kính bên ngoài, chuyển sang dạng tam giác bắt sáng độc đáo. Nhiều người tin rằng sau hơn 10 năm hoang hóa, công trình đã thực sự hồi sinh. Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, chủ đầu tư chỉ được phép thay kính cũ xuống cấp để đảm bảo an toàn và chỉnh trang đô thị, các hạng mục khác chưa được cấp phép thi công do vẫn đang chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ và các thủ tục pháp lý liên quan.
Đến nay, Saigon One Tower (hay IFC One Saigon) vẫn là khối bê tông đồ sộ án ngữ tại một trong những vị trí đắt đỏ nhất TP. HCM. Sau gần 17 năm kể từ ngày khởi công, tòa nhà mang dáng dấp tham vọng của một "biểu tượng đô thị" giờ đây lại trở thành điểm xấu gây mất mỹ quan đô thị. Tương lai của dự án hiện vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Sập hầm tàu điện ngầm sâu 30m: Mặt đường phía trên công trình bị sụp xuống, nhiều tòa nhà hư hại
Hà Nội ra 'tối hậu thư' với 18 tòa nhà vi phạm PCCC, yêu cầu xử lý nghiêm nếu chây ỳ