Mưa lụt nghiêm trọng càn quét Trung và Đông Âu, ít nhất 8 người thiệt mạng
Ít nhất 8 người đã thiệt mạng sau khi các trận mưa lớn nhất trong nhiều năm qua trút xuống các khu vực Trung và Đông Âu, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên diện rộng.
Cuối tuần trước, bão Boris mang theo mưa lớn đã càn quét nhiều thủ phủ của châu Âu, bao gồm cả Vienna (Áo), Bratislava (Slovakia) và Prague (CH Séc). Lượng mưa tương đương cả tháng tiếp tục trút xuống khu vực này hôm 15/9.
CNN đưa tin, tại Ba Lan, một người đã chết đuối ở hạt Klodzko. Nhà chức trách khuyến nghị các cư dân tại các hạt Moszczanka và Laka Prudnicka, tây nam đất nước sơ tán sau khi một con đập có nguy cơ bị vỡ.
Cùng ngày 5/9, một lính cứu hỏa tại Áo đã tử nạn khi đang làm nhiệm vụ. Tại Romania, chính quyền xác nhận thêm 2 người thiệt mạng vì bão lũ sau 4 trường hợp tử vong hôm 14/9. Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực giải cứu hàng trăm người bị mắc kẹt do mưa lụt.
Kênh truyền hình Antena 3 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Romania Cătălin Predoiu cho biết, 7 địa phương ở nước này đang hứng chịu những tác động nghiêm trọng nhất của thiên tai. Mặc dù lực lượng chức năng đã cứu được 95 người bị mắc kẹt trong nhà, nhưng họ cũng tìm thấy thi thể của những người thiệt mạng tại nơi cư trú.
Khoảng 5.400 ngôi nhà đã bị hư hại ở khu vực đông nam Galati, nơi chịu tác động nặng nề nhất của lũ lụt. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang khẩn trương làm nhiệm trong bối cảnh nhiều vùng của Romania trong 24 giờ qua ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.
Các con sông ở Ba Lan và CH Séc đã bị vỡ bờ. Ở tây nam Ba Lan, 1.600 người ở hạt Klodzko đã được sơ tán sau khi một phần khu vực bị ngập nước vào cuối tuần. Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết chính phủ sẽ ban bố tình trạng thảm họa và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU).
Tại CH Séc, chính quyền đang phải vật lộn với lượng mưa lớn trên khắp cả nước. Tổng thống Petr Pavel cảnh báo, tình trạng lũ lụt vẫn "chưa kết thúc" và các khu vực nghèo nhất của đất nước có khả năng phải chịu "thiệt hại lớn nhất" trong những ngày tới.
Ở phía đông bắc Séc, tới 80% thành phố Krnov bị ngập trong nước. Hơn 10.500 người đã được sơ tán khỏi các vùng thiên tai kể từ khi bắt bão Boris đổ bộ vào quốc gia này cách đây 3 ngày.
Tại Đức, các tiểu bang phía nam và phía đông nói riêng đang chuẩn bị cho nguy cơ ngập lụt. Nhà chức trách đã phát đi cảnh báo đối với các con sông ở tiểu bang Saxony.
Tại nước láng giềng Áo, lượng mưa lớn đã khiến mực nước dâng cao ở một số con sông. Nhiều thành phố đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi mưa như trút kéo dài đến ngày 15/9.
Một số khu vực của Ba Lan, Đức, Séc, Áo và Slovakia đã phát đi cảnh báo đỏ về mưa lụt. Đây là mức cảnh báo cao nhất có liên quan đến "hiện tượng khí tượng dữ dội và có khả năng gây ra thiệt hại lớn".
Các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị hỗ trợ các quốc gia Trung và Đông Âu đang phải ứng phó với thiên tai.