Phân nửa số doanh nghiệp xây dựng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng, mang lại nỗi buồn của những nhà đầu tư "đu đỉnh".
Sau giai đoạn bứt tốc lợi nhuận và lập đỉnh, lần lượt các ông lớn thầu xây dựng như Hòa Bình hay Coteccons đang bước vào chuỗi trượt dài khiến giới đầu tư không khỏi buồn lòng.
Bức tranh lợi nhuận u ám ngành xây dựng
Từ đỉnh lãi 1.652 tỷ đồng 5 năm trước, lợi nhuận CTD bắt đầu lao mạnh về mức 24 tỷ đồng trong năm 2021. Mới đây, Coteccons báo kết quả kinh doanh quý 2/2022 thảm thương hơn khi lỗ sau thuế 23,8 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 5.193 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh 94,5% chỉ còn hơn 5 tỷ.
Công ty nổi danh trong lĩnh vực thầu xây dựng HBC cũng rơi vào cảnh thảm thương khi lợi nhuận HBC cũng giảm 89% từ đỉnh 4 năm về còn 96 tỷ đồng năm 2021. Đỉnh điểm của bức tranh tối màu là quý 2 vừa qua, biên lãi gộp eo hẹp kèm gánh nặng chi phí tài chính khiến HBC tuy vẫn ghi nhận doanh thu tăng 28% lên 4.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của HBC lại ghi nhận giảm 14% so với cùng kỳ còn 50 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, HBC chỉ lãi 61 tỷ - tương ứng thực hiện hơn 17% chỉ tiêu lợi nhuận, phần kế hoạch doanh thu mới chỉ đạt 40%.
Với Fecon, doanh nghiệp này cũng không thoát khỏi xu hướng chung của nhóm ngành với ghi nhận mức giảm dần đều 3 năm gần đây. Fecon dù báo lãi trở lại trong quý II/2022 sau khi thua lỗ quý trước đó nhưng kết quả 6 tháng chỉ còn lại khoản lãi "còi" hơn 1,2 tỷ đồng - chỉ bằng 1/43 lần so với cùng kỳ 2021.
[Cập nhật] Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận quý II/2022 của các nhóm ngành đến hết 29/7
Kỳ vọng cao, thất vọng cũng thật nhiều
Điều đáng nói là, năm 2022 vốn dĩ là năm được các công ty lĩnh vực xây dựng kỳ vọng bứt phá tăng trưởng mạnh. Hồi đầu năm nay, các công ty đều đặt mục tiêu kinh doanh cao và rất cao.
Năm nay, HBC đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng và 350 tỷ lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với năm trước đó. Tương tự, con số này đối với Fecon (FCN) là 5.000 tỷ và 280 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 300% so với thực hiện năm 2021.
Riêng tại Coteccons, 2 năm sau xung đột ghế quyền lực và sự chiến thắng của "vị vua ngoại quốc" - Bolat Duisenov, những khó khăn vẫn chưa thể chấm dứt với Coteccons nên doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu tăng 65% so với cùng kỳ lên mức 15.000 tỷ đồng song mục tiêu lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng - thấp hơn năm lãi thấp 2021.
Thế nhưng, cả 3 doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng đều đang trượt rất xa khỏi những kế hoạch ban đầu khi 6 tháng đầu năm trôi qua trong cảnh "bết bát".
Coteccons (CTD): Đi một bước lại lùi một bước
Với thực trạng trên, có vẻ như mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của các ông lớn mảng thầu xây dựng cho năm 2022 vẫn còn khá mơ hồ về khả năng hoàn thành - nhất là trong bối cảnh mùa mưa - cơn ác mộng của ngành xây dựng đang đến.
Kỳ vọng chi phí nguyên vật liệu giảm trong ngắn hạn
Câu chuyện liên quan đến vấn đề của thị trường bất động sản, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 hay giá nguyên vật liệu thời gian qua đều đã được phản ánh đầy đủ trong bức tranh tài chính của nhóm này kể từ năm 2018. Tuy nhiên, điều được nhà đầu tư đón đợi hơn cả ngay sau đó là khả năng phục hồi của nhóm này đến đâu, tận dụng lợi thế ra sao trong tình hình mới, giai đoạn mới.
Tại báo cáo thường niên 2021, Xây dựng Hòa Bình cho biết đã ghi nhận tới 109 dự án đang thị công; tổng giá trị trúng thầu trong năm đạt gần 16.500 tỷ (một nửa giá trị trúng thầu đến từ khu vực phía Nam).
Tương tự, CTD hiện cũng đã và đang thi công hàng loạt gói thầu lớn với giá trị vượt 10.000 tỷ đồng; nhiều dự án dự kiến bàn giao trong năm 2022 như Khu căn hộ Ht-Pear hay Opal Skylines.
1 năm trở lại đây, bên cạnh ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngưng trệ, nhất là các vùng dự án quan trọng, việc giá nguyên vật liệu xây dựng như thép, cát, xi măng, nhựa đường,... tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành khiến lợi nhuận từ các gói thầu đã trúng trước đó bị giảm đáng kể.
Đây cũng chính là yếu tố khiến biên lợi nhuận của nhóm các công ty xây dựng duy trì ở mức thất trong 2 quý đầu năm.
Điều mà các ông lớn ngành thầu xây dựng có thể kỳ vọng lúc này là việc giá thép và giá một số nguyên vật liệu đầu vào đang trên đà giảm (giá thép đà điều chỉnh giảm 11 phiên liên tiếp) có thể giúp giảm chi phí xây dựng/thi công tại các dự án/gói thầu trong ngắn và trung hạn.