Hàng hóa - Tiêu dùng

Mua sắm online tạo ra 'núi' rác thải nhựa: Bộ Công Thương đề xuất chính sách mới

Ái Hân 20/01/2025 - 19:11

Thương mại điện tử phát triển mạnh kéo theo rác thải nhựa tăng mạnh, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp mới.

Ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn: lượng rác thải nhựa khổng lồ phát sinh từ hoạt động mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn. Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật TMĐT, để đạt doanh thu 1 tỷ USD, ngành này thải ra hơn 7.600 tấn nhựa, trong khi lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến thải gần 18.600 tấn nhựa.

Bùng nổ mua sắm online, bùng nổ rác thải nhựa: Bộ Công Thương đề xuất chính sách mới
Trong năm 2024, thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt quy mô 22 tỷ USD, còn giao đồ ăn đạt 1 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Theo số liệu từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), thị trường TMĐT của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng đi kèm với đó là áp lực lớn đối với môi trường. Rác thải nhựa từ đóng gói, vận chuyển đơn hàng và giao đồ ăn trực tuyến ngày càng gia tăng. Nếu không có biện pháp giảm thiểu hiệu quả, dự báo đến năm 2030, khi thị trường TMĐT đạt quy mô 100 tỷ USD, lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này có thể lên tới 800.000 tấn.

Trong năm 2024, thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt quy mô 22 tỷ USD, còn giao đồ ăn đạt 1 tỷ USD, tạo ra khoảng 160.000 tấm bìa carton và 171.000 tấn nhựa. Đáng chú ý, phần lớn lượng rác này là nhựa dùng một lần, theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chính sách phát triển TMĐT theo hướng bền vững. Các quy định hiện hành, như Nghị định 52 và Nghị định 85, đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động TMĐT, nhưng chưa đủ để giải quyết những thách thức mới phát sinh trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay.

Việc tích hợp các tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường là xu thế toàn cầu. Đây không chỉ là trách nhiệm môi trường mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế số bền vững.

Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xanh:

Xây dựng hạ tầng TMĐT thân thiện với môi trường: Khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, giảm thiểu nhựa dùng một lần trong đóng gói và vận chuyển.

Tăng cường nhận thức người tiêu dùng: Phổ biến thông tin và xây dựng thói quen tiêu dùng bền vững trong cộng đồng.

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ: Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, cải tiến quy trình kinh doanh để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

Ngoài ra, nhà nước cần bố trí nguồn lực từ trung ương đến địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường trong hoạt động TMĐT có thể khiến chi phí sản phẩm tăng lên, nhưng đây là bước đi cần thiết để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Những chính sách phù hợp không chỉ giảm áp lực lên môi trường mà còn góp phần khẳng định vị thế của TMĐT Việt Nam trên trường quốc tế.

>>Mức lương giáo viên năm 2025 có gì thay đổi?

Ngôi trường chuyên nuôi dưỡng nhiều 'thần đồng' Toán học nhất Việt Nam: Vừa đón thêm thủ khoa HSG môn Toán, là 'lò đào tạo' huy chương Olympic quốc tế

Giá bạc giảm nhẹ sát Tết: Tín hiệu gì cho nhà đầu tư?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mua-sam-online-tao-ra-nui-rac-thai-nhua-bo-cong-thuong-de-xuat-chinh-sach-moi-272517.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mua sắm online tạo ra 'núi' rác thải nhựa: Bộ Công Thương đề xuất chính sách mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH