Muốn hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần thêm bao nhiêu tiền?

08-06-2024 10:18|Phương Hà

Theo quy hoạch, đến năm 2045, Hà Nội sẽ sở hữu gần 400km đường sắt đô thị.

Lộ số tiền “khủng” để xây đường sắt đô thị

Tại đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB nhấn mạnh đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố.

Do đó, ông Minh khẳng định phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới, gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Theo đề án, đến năm 2030, hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị). Đến năm 2035, hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301km/397,8km (khoảng 76% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị). Đến năm 2045, sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và quy hoạch Thủ đô.

Nhiều khả năng, tổng số vốn thành phố cần huy động để xây dựng đường sắt đô thị đến năm 2045 khoảng hơn 66 tỷ USD, trong đó, thành phố có thể huy động được gần 58 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ hơn 8,6 tỷ USD.

Muốn hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần thêm bao nhiêu tiền?
Ảnh minh hoạ

Để hiện thực hoá mục tiêu về đường sắt đô thị, cần thêm chính sách đột phá mới

Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc với các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA sẽ tiếp tục đầu tư theo nguồn vốn này; các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên bằng vốn ngân sách Nhà nước.

TP. Hà Nội cũng đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035.

Cụ thể, Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; quyết định nội dung, trình tự, thủ tục chính sách đặc thù thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập; trình tự thực hiện được phép rút gọn để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Thành phố kiến nghị căn cứ quy hoạch chung Thủ đô hoặc đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư xây dựng dự án các tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô.

Về công tác thanh toán vốn đầu tư, căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án, Hà Nội đề xuất cho phép thực hiện thanh toán vốn đối ứng vượt so với kế hoạch vốn hàng năm của thành phố mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm. Phần vốn thanh toán vượt so với kế hoạch vốn năm sẽ được ghi bổ sung vào kế hoạch vốn năm tiếp theo, trong đó tổng số vốn thanh toán không vượt nguồn vốn đầu tư công trung hạn được Chính phủ giao.

Trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư dự án, thành phố đề xuất cho phép chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.

>> TP. HCM đã tìm ra cách sớm đưa 183km metro ‘về đích’

Dự án tuyến đường sắt đô thị gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội có chuyển biến mới

Cần 837.000 tỷ hoàn thiện 164km đường sắt đô thị, TP. HCM đề xuất Trung ương thay đổi điều tiết ngân sách

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/muon-hoan-thien-tuyen-duong-sat-do-thi-ha-noi-can-them-bao-nhieu-tien-d124604.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Muốn hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần thêm bao nhiêu tiền?
    POWERED BY ONECMS & INTECH