Từ nay đến năm 2035, TP. HCM đặt mục tiêu sẽ hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị.
UBND TP. HCM đã xác định, đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Theo kế hoạch, đến năm 2035, TP. HCM sẽ hoàn thành 6 tuyến đường sắt với chiều dài khoảng 183km đường sắt đô thị (loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn, tần suất cao).
Vào năm 2045, TP. HCM dự kiến sẽ xây thêm khoảng 168km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351km.
Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, 9, 10, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510km.
Ảnh minh hoạ |
Dẫn tin từ báo Giao Thông, UBND TP. HCM cho biết, để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, cần phải xây dựng và trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.
Qua trao đổi với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tổ công tác xây dựng "Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị", thành phố đã hoàn thiện các nhóm cơ chế chính sách trong đề án gồm 6 nhóm với 28 cơ chế; trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của chính phủ.
Các nhóm cơ chế chính sách này gồm: nhóm về quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; tổ chức quản lý, khai thác.
Ở nhóm cơ chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, UBND đề xuất, cho phép TP. HCM căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hoặc quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị.
Tại nhóm cơ chế về huy động nguồn vốn (cơ chế 8, thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội), UBND TP đề xuất, cho phép TP. HCM được thu và sử dụng 100% nguồn thu đối với các khoản thu phát sinh từ việc khai thác quỹ đất khu vực vùng phụ cận các nhà ga đường sắt đô thị và các khu vực TOD khác trên địa bàn thành phố để tái đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, ở nhóm cơ chế về tổ chức quản lý, khai thác (cơ chế 28, thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ), UBND đề xuất, cho phép TP. HCM thành lập cơ chế thứ 28 - cho phép TP. HCM thành lập Tổng công ty Đường sắt đô thị do thành phố nắm giữ 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của tổng công ty.
>> Cần bao nhiêu tiền để tiếp tục xây dựng đường Vành đai 2 - TP. HCM?