Tài chính Ngân hàng

Mỹ áp thuế đối ứng 46% tác động đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt Vietcombank, BIDV, VietinBank ra sao?

Mạnh Hiếu 08/04/2025 - 14:31

Không chỉ xuất khẩu, cú đánh thuế 46% từ Mỹ đang khiến hệ thống ngân hàng Việt đứng trước áp lực mới, dù không nằm trong “tầm ngắm” trực tiếp.

Ngành ngân hàng Việt Nam: Tác động gián tiếp nhưng chưa phải mối đe dọa lớn

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 10% đối với toàn bộ hàng hóa đến từ tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4. Đồng thời, Mỹ cũng công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% dành riêng cho hàng hóa từ Việt Nam – thuộc nhóm quốc gia bị áp mức thuế cao nhất. Mức thuế này được xác lập dựa trên thâm hụt thương mại song phương và các rào cản thương mại bị cho là đến từ phía Việt Nam. Theo kế hoạch, mức thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4, tuy nhiên vẫn có khả năng được điều chỉnh sau vòng đàm phán sắp tới giữa hai nước.

Đây là động thái mạnh và bất ngờ, vượt xa kỳ vọng của giới đầu tư và các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sắc lệnh trên tạo ra áp lực đáng kể lên tỷ giá, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất khẩu, dòng vốn FDI và cả hệ thống ngân hàng trong nước.

Mỹ áp thuế đối ứng 46% tác động đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt Vietcombank, BIDV, VietinBank ra sao?
Nguồn: VCBS

>> Tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN bơm ròng thanh khoản: Thị trường ngoại hối đang nóng lên vì điều gì?

Mặc dù chính sách thuế chủ yếu nhắm vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, nhưng ảnh hưởng gián tiếp đã bắt đầu lan sang ngành ngân hàng – nơi đóng vai trò trung gian tài chính và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Dù vậy, các chuyên gia nhận định mức độ tác động hiện tại chưa đáng lo ngại, phần lớn nhờ vào cơ cấu dư nợ hợp lý và chính sách tiền tệ được điều hành chủ động.

Việc áp thuế cao khiến hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ. Điều này làm tăng nguy cơ giảm đơn hàng, doanh thu sụt giảm và dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hệ quả là khả năng trả nợ ngân hàng suy giảm, đặc biệt với các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng tập trung vào thị trường Mỹ. Đồng thời, tâm lý thận trọng cũng có thể khiến nhu cầu vay mới chững lại.

Tuy nhiên, VCBS nhận định rủi ro hệ thống vẫn ở mức hạn chế. Dư nợ liên quan đến xuất khẩu hiện chỉ chiếm hơn 5% tổng dư nợ toàn ngành, trong khi dư nợ cho doanh nghiệp FDI vào khoảng 2%. Đây là những tỷ lệ đủ thấp để hệ thống ngân hàng duy trì sự ổn định trong bối cảnh biến động bên ngoài.

Dữ liệu cho thấy dư nợ cho vay các doanh nghiệp FDI phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung tại nhóm ngân hàng quốc doanh. Tính đến cuối năm 2024, Vietcombank có dư nợ FDI đạt 147.778 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng dư nợ; VietinBank là 99.486 tỷ đồng (5,78%); BIDV đạt 72.708 tỷ đồng (3,54%) và Agribank ở mức 2.814 tỷ đồng (0,16%).

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, dù đang đẩy mạnh tiếp cận nhóm khách hàng FDI, tỷ trọng dư nợ vẫn được duy trì ở mức kiểm soát. Cụ thể, VPBank có dư nợ FDI đạt 3.770 tỷ đồng (0,54%), Techcombank là 12.167 tỷ đồng (2,01%) và MBBank đạt 18.816 tỷ đồng (2,42%).

Tỷ trọng dư nợ thấp này đang đóng vai trò như một “vùng đệm” giúp hệ thống ngân hàng duy trì sức chống chịu tốt trước các cú sốc bên ngoài, hạn chế nguy cơ lan rộng rủi ro tín dụng từ nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương bởi biến động thương mại.

Chính sách tiền tệ chủ động, hỗ trợ tăng trưởng

Tín dụng toàn ngành trong quý I/2025 ghi nhận mức tăng 3,93%, gần gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn đang đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động ổn định và lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

VCBS đánh giá lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa theo từng ngành và mức độ rủi ro, nhưng xu hướng chung vẫn là nới lỏng nhằm thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Đây là một điểm sáng cho hệ thống ngân hàng, vừa đảm bảo sự ổn định tài chính, vừa góp phần vào mục tiêu tăng trưởng.

Tác động từ thuế đối ứng cũng đặt ra áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn. VCBS cho biết, tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư quốc tế có thể làm chậm dòng vốn FDI và gây biến động trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá tăng sẽ làm gia tăng chi phí vay ngoại tệ và ảnh hưởng đến thanh khoản USD, đặc biệt ở các ngân hàng có mức độ tiếp xúc lớn với nhóm doanh nghiệp FDI và xuất khẩu.

Mỹ áp thuế đối ứng 46% tác động đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt Vietcombank, BIDV, VietinBank ra sao?
Nguồn: VCBS

>> Vụ Chính sách Tiền tệ: Chính sách thuế quan Mỹ gây sức ép tỷ giá, NHNN cam kết bơm thanh khoản kịp thời, hỗ trợ giảm lãi suất

Bà Mai Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – cho biết việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đã tạo ra áp lực lớn đối với công tác điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cân đối giữa ổn định tỷ giá và duy trì lãi suất ở mức hỗ trợ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), sẵn sàng bơm thanh khoản kịp thời, giữ ổn định lãi suất điều hành và tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Vụ Chính sách Tiền tệ cũng yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc chỉ đạo giảm lãi suất, đồng thời tiết giảm chi phí để tạo dư địa cho vay rẻ hơn.

Theo số liệu từ NHNN, lãi suất cho vay trong năm 2023 và 2024 đã giảm hơn 1% mỗi năm, và từ đầu năm 2025 đến nay tiếp tục giảm thêm 0,4%. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16% trong năm 2025, tương đương bơm khoảng 2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Tính đến hiện tại, tổng dư nợ đã vượt 16 triệu tỷ đồng.

Đại diện NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu của hệ thống TCTD, đảm bảo thanh khoản và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế.

>> Ngân hàng 'bơm' gần 615.000 tỷ đồng ra nền kinh tế quý I/2025, dư nợ tín dụng xác lập mức kỷ lục mới

Bắt đối tượng sinh năm 1997 vừa từ khu ‘Tam Thái Tử’ nhập cảnh về Việt Nam, dùng 12 tài khoản ngân hàng lừa đảo 131 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước công bố kết luận thanh tra đối với một chi nhánh của BIDV

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/my-ap-thue-doi-ung-46-tac-dong-den-he-thong-ngan-hang-dac-biet-vietcombank-bidv-vietinbank-ra-sao-286048.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ áp thuế đối ứng 46% tác động đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt Vietcombank, BIDV, VietinBank ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH