Thị trường

Mỹ áp thuế mới, điều gì khiến ngành rau quả Việt Nam ít bị ảnh hưởng?

Tuân Nguyễn 06/04/2025 - 06:56

Xuất khẩu rau quả sang Mỹ năm 2024 của Việt Nam đạt 360 triệu USD trong tổng kim ngạch 7,4 tỷ USD. Nhờ sự đa dạng về thị trường xuất khẩu, chúng ta đã giảm thiểu được thiệt hại khi gặp bất lợi ở một thị trường.

Chủ động đa dạng hóa thị trường

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả của Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2023.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm 360 triệu USD.

Vì vậy, việc Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu 46% đối với sản phẩm từ Việt Nam, theo ông Khuê, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của ngành rau quả.

“Tại Doveco cũng như ngành hàng rau quả nói chung của Việt Nam hiện không có đủ hàng để xuất khẩu. Chỉ riêng mặt hàng dứa chúng tôi đang mua tại Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An những năm trước đây giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, nay đã lên đến 10.000 đồng/kg vẫn không có để mua”, ông Khuê nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam khẳng định thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Chỉ 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thị trường xuất khẩu rau quả của chúng ta đang phát triển ổn định, với những thị trường lớn và đa dạng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc,... chứ không phụ thuộc vào một thị trường”.

sieu thi (49).jpg
Trái cây xuất khẩu của Việt Nam đa dạng hoá thị trường. Ảnh: Nam Khánh

Nhờ chủ động đa dạng hoá các thị trường, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu ưu tiên lựa chọn các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do, từ đó giảm thiểu rủi ro và giá trị xuất khẩu tăng bền vững.

Bản thân Doveco cũng đang xuất khẩu sang nhiều thị trường, với các sản phẩm đa dạng. Doanh nghiệp này sở hữu 3 trung tâm chế biến rau quả lớn tại Ninh Bình, Sơn La, và Gia Lai, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng chục nghìn lao động.

Đặc biệt, hai vùng nguyên liệu Sơn La và Gia Lai có tới 80% người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và an sinh xã hội cho các địa phương miền núi.

Với vai trò lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất ổn định, duy trì các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cần cơ chế hỗ trợ linh hoạt

Là chủ một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, bà Trần Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Lương thực Hà Nam, chưa bao giờ cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của ngành ngân hàng như hiện nay.

“Chúng tôi đang vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua, từ 4-5,3%. Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục duy trì các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như thời hạn vay cho đặc thù ngành nghề có tính chất mùa vụ và sự biến động lớn về giá cả như nông sản”, bà nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Phương, Tổng giám đốc CTCP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hoá), kiến nghị các ngân hàng có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt theo mùa vụ.

“Ngành mía đường có tính chu kỳ rõ rệt, thường xuyên cần nguồn vốn lớn vào đầu vụ để đầu tư phân bón, giống mía, chăm sóc và thu hoạch. Các ngân hàng nên áp dụng chính sách cho vay phù hợp với mùa vụ sản xuất, điều chỉnh lịch trả nợ linh hoạt”, ông Phương đề xuất.

Tổng giám đốc Mía đường Lam Sơn cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng, các tổ chức tín dụng cần quán triệt cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí và thủ tục hành chính, tạo điều kiện giảm lãi suất và rút ngắn thời gian giải ngân.

Tuy nhiên, ông lưu ý việc giảm lãi suất, giảm thủ tục nhưng không giảm điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng.

>> Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng

Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam vừa hụt thu hơn 2.800 tỷ đồng

Rau quả Việt 'bứt tốc' tại Mỹ: Tăng trưởng 65% trong hai tháng đầu năm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/my-ap-thue-moi-dieu-gi-khien-nganh-rau-qua-viet-nam-khong-bi-anh-huong-lon-2388216.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ áp thuế mới, điều gì khiến ngành rau quả Việt Nam ít bị ảnh hưởng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH