Mỹ bơm thêm 225 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Zelensky yêu cầu tấn công mục tiêu “không giới hạn”
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Tổng thống Biden củng cố chính sách đối ngoại cho nước Mỹ bằng gói viện trợ quân sự bổ sung cho hệ thống phòng không Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố gói viện trợ mới trị giá 225 triệu USD cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot, nhằm tăng cường khả năng phòng không của nước này trước các cuộc không kích của Nga.
Thông báo được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Tổng thống Zelenskiy hoan nghênh động thái này, song ông cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết được phép sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Gói viện trợ mới bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn dược cho hệ thống HIMARS, đạn pháo các loại và nhiều vũ khí khác. Đây là một phần trong loạt cam kết của Mỹ và đồng minh nhằm hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Bên cạnh Mỹ, nhiều nước NATO khác cũng cam kết cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine, bao gồm Đức, Romania, Hà Lan và Ý. Canada, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh sẽ bổ sung thêm các hệ thống quân sự phòng không như NASAMS, HAWK và Gepard.
Hệ thống Patriot sẽ được chính quyền Mỹ chuyển giao theo lệnh Tổng thống, “rút trực tiếp trong kho dự trữ của quân đội Mỹ và vận chuyển ngay lập tức tới Ukraine”. Ngoài ra, tuần trước người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã cam kết 150 triệu USD khí tài quân sự sẽ được chuyển tới cho quân đội Ukraine, bao gồm máy bay đánh chặn phòng không, pháo binh và các loại hỏa lực khác, và vũ khí chống tăng.
Bên cạnh đó, 2,2 tỷ USD sẽ được chuyển tới quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, một cơ chế được sử dụng để đưa các hệ thống vũ khí dài hạn vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu bao gồm tên lửa Patriot và hệ thống phòng không NASAM.
Tuy nhiên, vấn đề hạn chế mục tiêu vẫn là điểm tranh cãi trong quan hệ Mỹ-Ukraine. Andriy Yermak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky, kêu gọi dỡ bỏ mọi hạn chế, cho rằng điều này "sẽ thay đổi cục diện" cuộc chiến.
Việc tăng cường viện trợ quân sự được xem là phản ứng trước các cuộc tấn công gần đây của Nga, đặc biệt là vụ không kích vào bệnh viện nhi ở Kyiv khiến 31 người thiệt mạng. Các hệ thống phòng không mới cũng nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trước các đợt tấn công mùa hè của Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg tái khẳng định: "Tương lai của Ukraine nằm ở NATO", đồng thời cam kết hỗ trợ Kyiv trong quá trình cải cách hướng tới gia nhập liên minh.
Kết thúc hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối năm nay, nhằm tìm kiếm giải pháp "công bằng" cho cuộc xung đột kéo dài.
Theo AP News
>> Hàng chục chuyên gia Mỹ hối thúc NATO không nên kết nạp Ukraine
Nước NATO thứ 2 công khai phản đối kết nạp Ukraine
‘Gánh nặng’ nợ nần: Ukraine trở thành con nợ lớn thứ hai của IMF