EU mua dầu Nga không mặc cả, viện trợ Ukraine đắn đo từng đồng
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) liên tục tuyên bố siết chặt trừng phạt Nga, đặc biệt với ngành năng lượng – nguồn thu quan trọng phục vụ cỗ máy chiến tranh của Moscow – thì trên thực tế, các quốc gia thành viên lại đang có những động thái ngược chiều.
Theo dữ liệu mới công bố từ cơ quan thống kê Eurostat, lượng dầu thô mà EU nhập khẩu từ Nga trong tháng 5 đã tăng tới 5,5% so với tháng trước, đạt mức 407,4 triệu euro – cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Đáng chú ý, mức tăng này diễn ra bất chấp các biện pháp hạn chế năng lượng được Brussels liên tục nhấn mạnh từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và đặc biệt là từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022.

Trong số các nước EU, Hungary ghi nhận mức tăng nhập khẩu dầu từ Nga lên tới 22% trong tháng 5, chi 201,5 triệu euro – bù đắp hoàn toàn cho mức sụt giảm 5,8% của Slovakia, một khách hàng truyền thống của Nga, với giá trị nhập khẩu chỉ còn 205,9 triệu euro.
Tính trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị hàng hóa EU nhập từ Nga – phần lớn là năng lượng – đạt khoảng 2,3 tỷ euro. Con số này tuy thấp hơn mức 2,9 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cho thấy EU tiếp tục là nguồn cung tài chính không nhỏ cho nền kinh tế Nga, bất chấp các tuyên bố về “tước đoạt nguồn thu chiến tranh” của Moscow.
Điều này càng trở nên mâu thuẫn khi đặt cạnh động thái của một loạt quốc gia EU từ chối tham gia sáng kiến của Mỹ nhằm viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine. Trong khi Washington kêu gọi các đồng minh NATO gia tăng mua sắm khí tài từ Mỹ để tiếp sức cho Kyiv, thì các "ông lớn" như Pháp và Italia đều lần lượt rút lui.
Pháp viện dẫn lý do cần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng riêng của châu Âu để nâng cao năng lực tự chủ và tăng giá trị xuất khẩu nội khối. Italia thì tuyên bố thẳng thắn rằng họ “không có tiền”.
Trong khi đó, Cộng hòa Séc – một trong những quốc gia NATO tích cực hỗ trợ Ukraine – cũng từ chối tham gia sáng kiến của Mỹ với lý do đã tập trung nguồn lực cho chương trình cung cấp đạn dược riêng.
Ngoài ra, hai quốc gia Trung Âu là Hungary và Slovakia – vốn có quan hệ nồng ấm hơn với Nga – cũng bày tỏ sự phản đối đối với các quyết sách chung của EU và NATO liên quan đến Ukraine, và không chi tiền cho các thương vụ vũ khí Mỹ.
Như vậy, giữa lúc Brussels liên tục hô hào về việc siết chặt “vòng vây kinh tế” với Nga, thực tế lại cho thấy một EU đầy mâu thuẫn: tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga với giá trị hàng trăm triệu euro mỗi tháng, nhưng lại ngần ngại bỏ tiền mua vũ khí cho Ukraine – quốc gia mà họ tuyên bố ủng hộ hết mình trong cuộc chiến sống còn với Moscow.
Ông Trump từ chối nhượng bộ, EU đối mặt nguy cơ chiến tranh thương mại
Quan chức Nga đánh giá tác động của gói trừng phạt thứ 18 của EU