Chiến tranh thương mại kiểu mới: Người Mỹ tự mở cửa đón Taobao, app lạ gây sốt vì mức giá rẻ không tưởng
Giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, người tiêu dùng Mỹ ngày càng đổ xô tìm đến các ứng dụng mua sắm giá rẻ từ Trung Quốc như Taobao và DHgate
Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, người tiêu dùng Mỹ đang đổ xô tải xuống các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc như một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden áp mức thuế quan mới lên tới 145% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến giá cả tăng cao và người dân buộc phải tìm kiếm lựa chọn thay thế.
Một trong những ứng dụng đang thu hút sự chú ý là Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến thuộc tập đoàn Alibaba. Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, Taobao đã vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách các ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên App Store tại Mỹ vào ngày 17/4 – tăng mạnh so với vị trí thứ 47 chỉ vài ngày trước đó vào 12/4. Trên Google Play, Taobao hiện là ứng dụng mua sắm phổ biến thứ ba tại Mỹ, so với vị trí thứ 144 cách đây 10 ngày.

Trong vòng 30 ngày qua, ứng dụng Taobao đã ghi nhận khoảng 2 triệu lượt tải toàn cầu, cho thấy mức độ lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy một phần bởi các video lan truyền trên TikTok, trong đó người dùng và các nhà sản xuất Trung Quốc giới thiệu những sản phẩm“hàng xa xỉ” với mức giá siêu rẻ.
Những nội dung này không chỉ thu hút hàng triệu lượt xem mà còn tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, góp phần đưa nhiều ứng dụng thương mại điện tử ít tên tuổi khác vươn lên vị trí cao trên bảng xếp hạng.
Đáng chú ý, DHgate – thường được gọi là “Dunhuang” - “ứng dụng nhỏ màu vàng” – đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng App Store Mỹ vào thứ Hai, chỉ sau ChatGPT, dù trước đó không lọt nổi top 200.
Việc người tiêu dùng Mỹ tìm đến các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump liên tục áp các mức thuế đối ứng cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong một video TikTok từng lan truyền mạnh mẽ nhưng hiện đã bị gỡ bỏ, một người dùng cho rằng hơn 80% túi xách xa xỉ thực chất được sản xuất tại Trung Quốc trước khi được tái đóng gói và phân phối ra các thị trường quốc tế. Nội dung này càng củng cố niềm tin của người tiêu dùng rằng họ có thể tiếp cận các sản phẩm tương đương với hàng hiệu nhưng với mức giá rẻ hơn thông qua các nền tảng mua sắm từ Trung Quốc.
Sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế của ông Trump khiến thị trường thêm phần bất ổn, đồng thời thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ tìm kiếm các kênh mua sắm thay thế.
Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng các video TikTok lan truyền về các mặt hàng “xa xỉ giá rẻ” có thể là một phần của chiến dịch quảng cáo có chủ đích từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc. Những nền tảng này được cho là đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút người tiêu dùng quốc tế trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi.
Alibaba, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc, thời gian qua đã tăng tốc chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài khi nhu cầu tiêu dùng trong nước có dấu hiệu chững lại, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các đối thủ như Pinduoduo (thuộc PDD Holdings ) và Douyin, phiên bản nội địa của TikTok do ByteDance phát triển.
Vào tháng 11, Alibaba công bố một cuộc tái cơ cấu quy mô lớn, sáp nhập mảng thương mại điện tử nội địa và quốc tế thành một đơn vị duy nhất nhằm tối ưu hóa hoạt động và đẩy mạnh tính cạnh tranh. Đơn vị này hiện do Jiang Fan, cựu lãnh đạo mảng kinh doanh quốc tế của công ty, trực tiếp điều hành.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)
>> Tăng thuế 3 lần trong 8 ngày, lên 120%: Mỹ nhắm thẳng vào Temu, Shein
Giáng đòn vào Shein và Temu, ông Trump vô tình giúp cắt giảm khí thải nhà kính
Cú sốc 90%: Temu, Shein lao đao trước 'lưỡi hái' thuế quan Mỹ