TTCK Việt Nam đã khép lại một năm 2021 đầy thăng hoa khi hàng loạt chỉ tiêu liên tiếp lập đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch đầu tháng 1/2022, thị trường đã có sự rung lắc dữ dội.
Vậy nhà đầu tư nên gửi gắm tài sản vào những ngành nào để đạt hiệu quả tối đa.
Nhận định chung về thị trường chứng khoán năm 2022
Theo thống kê, năm 2021 khoảng 86% cổ phiếu đã tăng giá với mức tăng trung bình tới 92%, mức tăng trưởng tích cực như đây là hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử của TTCK Việt Nam.
“Theo nhận định của tôi, sau một năm tăng trưởng mạnh như 2021, thị trường sẽ có một năm 2022 tăng trưởng ở mức vừa phải, từ 10% - 15%”, theo Ông Nguyễn Việt Đức – Phó Trưởng phòng Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán MB.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron tiếp tục phủ nỗi lo lên toàn cầu khi chưa biết thời điểm nào đại dịch Covid-19 mới kết thúc. Điều này tạo nên những áp lực về giá cả thị trường và khả năng lạm phát cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng nghĩa với việc trong năm 2022, Việt Nam sẽ phải đương đầu với không ít rủi ro và thách thức.
Tuy nhiên, thách thức càng lớn cơ hội sẽ càng cao, nhiều ý kiến đều đồng thuận cho rằng, năm 2022, kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi nên TTCK Việt Nam năm 2022 vẫn được dự báo rất tích cực.
Theo đó, các trụ cột được coi là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 là kỳ vọng sức cầu nội địa phục hồi và sẽ hoạt động hết công suất sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi.
Dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ phục hồi vào năm 2022, trong khi Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Đáng chú ý các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong năm 2022 sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn năm 2021.
Nhờ đó, thị trường chứng khoán năm 2022 được tiên đoán sẽ bao gồm những đợt tăng giá xen kẽ giảm giá, nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên.
Dòng tiền hướng đến nhóm ngành nào trong năm 2022?
Sau một năm đầy thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam, điều mà các nhà đầu tư quan tâm vào lúc này là nền kinh tế nói chung và xu hướng đầu tư năm 2022? Liệu kênh đầu tư chứng khoán còn tiếp tục lên ngôi và cách dòng tiền luân chuyển trên thị trường.
Mới đây tại Talkshow Phố Tài chính ở kênh VTV8, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng chứng khoán sẽ vẫn đủ sức thu hút đông đảo nhà đầu tư và sẽ đủ tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Trả lời về vấn đề diễn biến xu hướng đầu tư của năm 2022, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK VPS cho biết: "Đại dịch Covid-19 và biến chủng mới Omicron đã tác động rất lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Rõ ràng kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, hay các kênh đầu tư khác cũng gặp vấn đề; trong khi hai kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản lại có phần hấp dẫn hơn cả.
Tuy nhiên, đầu tư bất động sản sẽ cần dòng vốn rất lớn, còn kênh đầu tư chứng khoán lại phù hợp hơn cả với số đông nhà đầu tư hơn, với các nhà đầu tư nhiều tiền cũng như các nhà đầu tư ít tiền, kể cả khi nhà đầu tư chỉ mua một vài chục cổ, trăm cổ.
Theo quan điểm của ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh: "Tôi lạc quan với quá trình hồi phục về xuất khẩu cũng như quá trình tăng đầu tư FDI ở Việt Nam do đó nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp có triển vọng khả quan.
Thứ hai, khi nền kinh tế Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng từ mức dưới 3% tăng lên 6,5% thì lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc nền kinh tế phát triển mạnh trở lại, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa. Dòng tiền vẫn sẽ tìm về các kênh sinh lời và cổ phiếu vẫn là kênh sinh lời hấp dẫn.
Như vậy, năm 2022, dòng tiền có thể sẽ quay trở lại đối với các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt như ngân hàng, logistics, chứng khoán đồng thời tìm đến các nhóm ngành có kết quả kinh doanh khá tốt nhưng dòng tiền vào chưa mạnh trong năm 2021.