Các Công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn trước thềm vận hành KRX, có công ty tăng khủng lên gấp 16 lần
(Thị trường tài chính) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đang sôi động trở lại với cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK). Xu hướng này xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, có sự quyết liệu trong thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và kỳ vọng vận hành hệ thống giao dịch mới KRX.
Hết tháng 4, các công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với những thông tin tích cực. Nhiều công ty đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Cụ thể, MBS dự kiến phát hành 109 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1, giá phát hành là 10.000 đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024. Song song đó, MBS sẽ phát hành riêng lẻ gần 29 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách (11.512 đồng/cp).
Hoàn tất 100% các phương án phát hành trên, vốn điều lệ của MBS sẽ tăng 1.384 tỷ đồng (từ 4.376 tỷ đồng lên gần 5.760 tỷ đồng).
MBS nhấn mạnh việc tăng vốn là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn hoạt động kinh doanh, vốn cho vay margin, tăng năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MBS, cung cấp nhiều sản phẩm tài chính mới cho khách hàng.
Công ty Chứng khoánNhất Việt (HNX: VFS) cũng dự kiến hành thêm 120 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) để chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.nNếu đợt phát hành trên diễn ra thành công, Chứng khoán Nhất Việt sẽ thu về tối đa 1.200 tỷ đồng; đồng thời, vốn điều lệ sẽ được nâng lên gấp đôi, đạt 2.400 tỷ đồng.
Nếu tăng vốn thành công, Chứng khoán Nhất Việt sẽ lọt TOP 20 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường hiện nay.
CTCP Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI) cũng lên kế hoạc tăng vốn điều lệ với 3 phương án. Phương án một, phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP), giá bán 12.000 đồng/cp. Phương án hai, phát hành gần 133 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu sẽ nhận được về 3 cổ phiếu mới. Phương án ba, chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2023 là 16.849 đồng/cp.
Nếu hoàn tất 100%, vốn điều lệ của công ty chứng khoán này sẽ tăng từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đã lên phương án phát hành hơn 85,8 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành là 10:4. Ngoài ra, FPTS cũng dự kiến phát hành ESOP năm 2024 cho cán bộ quản lý của công ty. Số lượng phát hành dự kiến hơn 5,5 triệu cổ phiếu, giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Cả hai phương án trên dự kiến được thực hiện vào quý II - III/2024. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Công ty Chứng khoán FPT sẽ tăng từ gần 2.146 tỷ đồng lên hơn 3.059 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) gây chú ý khi công bố kế hoạch chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi cuối năm 2023 để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 1:14,552 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 14,552 cổ phiếu mới). Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Chứng khoán LPBank cho biết, Công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ thành công lên 3.888 tỷ và sẵn sàng triển khai các nghiệp vụ chứng khoán từ tháng 5/2024. Như vậy, vốn điều lệ của LPBS đã gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng.
Trước đó, thông tin về việc vận hành chính thức hệ thống KRX vào ngày 2/5 đã khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn hỏa tốc khẳng định chưa đủ cơ sở để chấp thuận việc đưa hệ thống này vào vận hành chính thức. Thông báo này khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán một lần nữa “hụt hẫng” khi lỡ hẹn với hệ thống này.
Khi đưa vào hoạt động, hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thanh toán một cách đáng kể, từ T+2.5 ở hệ thống hiện tại về T+0, cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên TTCK cơ sở – giống như trên TTCK phái sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống này còn tạo nền móng để triển khai thêm các sản phẩm hợp đồng quyền chọn, thúc đẩy giao dịch thuật toán được lập trình sẵn, như: lướt sóng siêu ngắn (Scalping), giao dịch theo cặp (Pair trading), giao dịch lưới (grid)…
Không những vậy, việc hệ thống KRX được đưa vào vận hành sẽ giúp thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể. Theo dự báo từ giới chuyên gia, thanh khoản khớp lệnh trong phiên có thể lên tới 4 tỷ USD, tương đương với mốc xấp xỉ 96 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, gấp từ ít nhất 5 lần so với mốc khớp lệnh hiện tại.
Một công ty chứng khoán 'giấu' hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2024