Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Minh Hằng cho rằng 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Sáng ngày 11/1, trong khuôn khổ Hội nghị Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 16, Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới".
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Minh Hằng cho biết, diễn đàn năm nay diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.
Thứ trưởng cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, Việt Nam đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị. Bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tại diễn đàn |
>> PGS. TS Nguyễn Đức Trung: 'Nền kinh tế cũng như người ốm, cần khoảng lặng để điều chỉnh’
Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, đánh giá hết sức toàn diện, sâu sắc các thành tựu đã đạt được. Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực (tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%). Cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển (thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ).
Những kết quả có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc chiến lược và tác động lâu dài này đã tạo nên môi trường chiến lược, vị thế chiến lược và thời cơ chiến lược mới rất to lớn, thuận lợi cho tăng cường cường an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng thông tin: Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa diễn ra cuối tháng 12 vừa qua đã đánh giá sâu sắc, đa chiều về tình hình thế giới và khu vực. Cục diện thế giới đang tiếp tục định hình theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc.
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam và khu vực năm 2023-2025. Nguồn: WB (tháng 1/2024), Viện ĐTNC BIDV. |
Về triển vọng kinh tế năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý:
Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.
Theo báo cáo Triển vọng toàn cầu của WB công bố ngày 9/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4% (là năm giảm thứ ba liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước), tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Giám đốc bộ phận vĩ mô, Ngân hàng Goldman Sachs đã có đánh giá cho rằng thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử các-bon.
WB cũng nhận định toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ” (investment booms) (các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững).
Thứ hai, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc.
Thứ ba, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, trong bối cảnh quốc tế như trên và yêu cầu phát triển của Việt Nam giai đoạn hiện nay, chủ đề của diễn đàn lần này (thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới) là rất phù hợp, đúng và trúng quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng đồng thời đề nghị, diễn đàn cùng thảo luận ba nhóm vấn đề: Làm rõ kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2024 - dự báo “điểm đáy của suy giảm toàn cầu”, thời điểm “đảo chiều” chính sách tiền tệ, lãi suất của các nền kinh tế lớn.
Đánh giá tác động đối với kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xác định các điểm thuận và không thuận, các cơ hội gì cần được tranh thủ để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng… Tập trung nhận diện các cơ hội mới để Việt Nam bứt tốc, tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Xác định những cơ chế, chính sách trước mắt và dài hạn cần thúc đẩy ở các cấp, các ngành; làm rõ ưu tiên, lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, các dự án cụ thể, các biện pháp thực tiễn từ phía doanh nghiệp để tận dụng tốt và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng nguồn nhân lực...
>> 'Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục nâng lên'