Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6%
Nhiều chuyên gia tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam, đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đầy hứa hẹn nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng ổn định trong khu vực.
Tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 tổ chức sáng hôm nay (11/1), chuyên gia Suan Teck Kin dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024.
Cũng tại diễn đàn, Ông Suan Teck Kin cho biết: "Việt Nam đã vượt qua một năm khó khăn với mức tăng trưởng 5,05%. Triển vọng đầy hứa hẹn trong năm 2024. Khu vực hóa/phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng – các hoạt động “friend-shoring” sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động". Theo ông Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn: Tăng chi tiêu vốn để nâng cao năng suất và hiệu quả nhằm tiếp tục phát triển trong tương lai.
>> Tăng trưởng 2024: Kỳ vọng vào đầu tư công và FDI nhưng còn nhiều rủi ro tiềm ẩn
Chuyên gia UOB cho rằng năm 2024 Việt Nam sẽ nhìn thấy sự cải thiện, đặc biệt trong ngành dệt may.
Theo chuyên gia UOB, Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chẳng hạn, trong năm 2016, 21,6% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2023, con số này đã giảm xuống 14,1%. Trong khi đó, Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 1,9% năm 2016 lên 3,3% năm 2023.
10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ (Nguồn: UOB) |
Ông Suan Teck Kin đánh giá Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.
“Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phỉ đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp”, chuyên gia UOB khuyến nghị.
Trước đó, tại diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 ngày 9/1, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, nền kinh tế thế giới đã đi qua giai đoạn lạm phát “leo thang” đỉnh điểm. Chính vì vậy, ông tin rằng tổng cầu nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ hồi phục trong năm 2024.
>> Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân 45.000-46.000 USD/người
Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 |
Có ba lý do chính khiến GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Thứ nhất, hàng dự trữ của các quốc gia đã giảm, chính vì vậy, các nước sẽ gia tăng lượng hàng dự trữ trong năm mới. Đây chính là cơ hội cho xuất khẩu.
Thứ hai, ngành du lịch đang hồi phục với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh cộng với giải ngân đầu tư công cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Những lý do này đang tiếp sức cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ ba, dư địa cho việc mở rộng chính sách tiền tệ còn rất nhiều, bởi khi áp lực lạm phát giảm xuống thì ngân hàng Trung ướng các nước sẽ hạ đà tăng lãi suất. Như vậy, khi lãi suất giảm cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân sẽ tốt hơn.
>> Quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế