'Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục nâng lên'
Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, mà còn chủ động, tích cực đầu tư sang các nền kinh tế phát triển, qua đó tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu.
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra sáng 11/1.
Loại bỏ hàng nghìn giấy phép con
Nhận xét về điểm sáng của ngành trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong đầu tư công, ngành đã nỗ lực khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn như đường cao tốc, liên vùng, ven biển... các “quả đấm thép” cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Cụ thể, đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025; cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025; mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.
Trong quy hoạch, đã cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 1 quy hoạch tỉnh duy nhất. Vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.
Theo Bộ trưởng, tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% - tuy chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực. Năm 2023, nhiều địa phương tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong tăng trưởng, thu hút đầu tư như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh...
“Vị trí, vai trò của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada,... và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như sản xuất chíp, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư,... để phát huy tốt hơn cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của ngành, như: Một số thời điểm, chưa nắm chắc diễn biến tình hình thế giới và trong nước để tổ chức nghiên cứu, dự báo kịp thời những tác động đến nền kinh tế nước ta, nhất là những vấn đề phức tạp, mới phát sinh; một số công việc triển khai còn chậm; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”...
Bộ trưởng nêu các vấn đề then chốt, thách thức đặt ra. Như tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và chiến lược 10 năm (khoảng 7%); GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.
Nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu là vốn tín dụng, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết, nhất là việc xử lý các ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0” đồng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù được cải thiện nhưng còn khó khăn,...
Tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Về nhiệm vụ trọng tâm công việc trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành và trình phê duyệt 5 quy hoạch vùng còn lại trong quý I/2024.
Cùng với đó, nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư; cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, mục tiêu là để tận dụng xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước,... cũng là nhiệm vụ mà Bộ sẽ chú trọng.
Ngoài ra, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các thể chế, chính sách để cụ thể hóa các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ... Hoàn thiện đề án đào tạo nhân lực cho ngành chíp, bán dẫn để sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận những cơ hội, dự án phát triển ngành bán dẫn.
>> Thủ phủ công nghiệp của Việt Nam nhận dòng vốn hơn 10 tỷ USD từ Trung Quốc
Một lĩnh vực đặc biệt mang về cho 'thủ phủ' công nghiệp Bình Dương 30 tỷ USD vốn FDI
Tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước đón hơn 40 tỷ USD vốn FDI