Vĩ mô

Năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, phương án tổ chức thi công nhận tốt nghiệp THPT 2025 như thế nào?

Phúc Lam 29/08/2024 06:30

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 nên phương án tổ chức kỳ thi là vấn đề rất được quan tâm.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức trong 2 ngày, 26 và 27/6/2025. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo thể thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm 2025 đánh dấu kỳ thi tốt nghiệp THPT với lứa học sinh đầu tiên áp dụng giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, điều này khiến phương án tổ chức thi được thầy cô, phụ huynh và học sinh mong ngóng.

Để đảm bảo kỳ thi diễn ra suôn sẻ và công bằng, Bộ GD&ĐT kêu gọi các địa phương nhanh chóng chuẩn bị và tích cực tuyên truyền từ sớm. Phương án tổ chức kỳ thi được công bố sẽ giúp thầy cô và học sinh có phương hướng học tập, giảng dạy và ôn luyện phù hợp.

Năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, phương án tổ chức thi công nhận tốt nghiệp THPT 2025 như thế nào?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Bộ GD&ĐT đã công bố quyết định về phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi sẽ thi tổng cộng 4 môn.

Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và hai môn tự chọn trong danh sách 9 môn được học ở lớp 12: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học và Công nghệ.

Tất cả các môn thi dưới hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ Ngữ văn thi dưới hình thức tự luận.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp

Theo quy định từ Bộ GD&ĐT, phương thức xét công nhận tốt nghiệp có sự kết hợp của hai yếu tố. Cụ thể, kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp sẽ được kết hợp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phương án này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay còn gọi là chương trình 2.000 chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn giáo dục cơ bản sẽ kết thúc ở bậc THCS và THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp.

Theo đó, học sinh không còn phải học tất cả các môn như trước đây mà chỉ cần hoàn thành 8 môn học bắt buộc, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục địa phương, và Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp. Ngoài ra, học sinh chọn 4 môn học từ danh sách 9 môn học lựa chọn gồm Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ mở ra cơ hội để học sinh hiểu rõ hơn về bản thân mà còn giúp định hình con đường nghề nghiệp tương lai ngay từ giai đoạn THPT thông qua việc lựa chọn các môn học phù hợp.

Chương trình đổi mới này đánh dấu một bước ngoặt trong cách học và giảng dạy. Học sinh không còn học chỉ để đối phó với bài kiểm tra mà để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cá nhân, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho thị trường lao động cạnh tranh. Đồng thời, giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện để học sinh tỏa sáng và khai thác tối đa tiềm năng của mình.

>>Hà Nội muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Hai phương án thi tốt nghiệp THPT: Thi ngày 21, 22/6 và 26, 27/6

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nam-dau-tien-ap-dung-chuong-trinh-moi-phuong-an-to-chuc-thi-cong-nhan-tot-nghiep-thpt-2025-nhu-the-nao-246911.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, phương án tổ chức thi công nhận tốt nghiệp THPT 2025 như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH