Nằm trong nhóm ngành được kỳ vọng “vô địch” tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2023, một công ty chứng khoán bất ngờ báo lỗ
Tổng số lỗ lũy kế đến ngày 30/9/2023 của công ty chứng khoán này lên đến hơn 268 tỷ đồng.
Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu hoạt động đạt 1,73 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu chủ yếu từ nghiệp vụ môi giới (1 tỷ đồng) và cho vay (622 triệu đồng). Lãi từ cho vay và phải thu quý chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mảng môi giới trong kỳ lỗ khi phải chi gần 2 tỷ đồng.
Kết quả, Chứng khoán SaigonBank Berjaya lỗ ròng 2,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, SBBS lỗ hơn 5,8 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế đến ngày 30/9 của công ty là hơn 268 tỷ đồng, chỉ thấp hơn vốn điều lệ 32 tỷ đồng.
Đáng chú ý, SBBS báo lỗ trong bối cảnh thị trường có một quý hồi phục tích cực. Chứng khoán là một trong 3 nhóm ngành cùng Dầu khí, Công nghệ Thông tin được các chuyên gia kỳ vọng ghi nhận doanh thu lợi nhuận tăng trưởng tốt trong quý 3/2023
Tổng tài sản của công ty tại ngày 30/9/2023 đạt 41,7 tỷ đồng, trong đó cho vay margin là 20,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, Chứng khoán SaigonBank Berjaya ghi nhận khoản phải thu hơn 200 tỷ đồng bà Huỳnh Thị Huyền Như. Số tiền gốc mà công ty chứng khoán này cho vay là 210 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã thu hồi dược hơn 9,3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, còn lại 200,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền còn lại đã được trích lập dự phòng.
Trong quý 3 vừa qua, SBBS đã có biến động lớn về nhân sự cấp cao và cơ cấu cổ đông. Cụ thể đầu tháng 8, ông Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT. Cùng với đó, ông Phương Anh Phát và ông Tan Mun Choy cũng xin từ nhiệm vị trí thành viên ban kiểm soát công ty chứng khoán này.
Động thái trên diễn ra chỉ ít ngày sau khi SBBS ghi nhận biến động lớn về cơ cấu cổ đông. Cụ thể, ngày 27/7, Inter Pacific Securities Sdn Bhd (IPSSB) và ông Phương Anh Phát đã chuyển nhượng tổng cộng 12,06 triệu cổ phần SBBS, tương ứng tỷ lệ 40,22% cho bà Nguyễn Thị Hương Giang. Sau giao dịch này, bà Hương Giang đã nâng tỷ lệ sở hữu tại SBBS từ 0% lên 40,22%, trong khi IPSSB hạ phần vốn nắm giữ từ 49% xuống còn 13,33%.
Ngoài ra, cùng ngày, bà Đinh Thị Thu Trang (SN 1985) cũng đã nhận chuyển nhượng 2,04 triệu cổ phần SBBS, qua đó trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,81%. Khối lượng cổ phiếu SBBS mà bà Trang mua vào đúng bằng khối lượng cổ phiếu ông Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch HĐQT SBBS, đăng ký bán ra theo phương thức thỏa thuận.
Rồng Việt (VDSC) báo lãi quý 3 gấp 4,5 lần YoY, VDS bật tăng mạnh nhất dòng chứng khoán