Nâng cấp con đèo ngoạn mục 12km nối tới 'tiểu Paris', chủ đầu tư đưa ra khuyến cáo cho du khách
Đèo này có ít nhất 9 khúc cua tay áo với bán kính nhỏ dưới 15m, hơn nữa, vào mùa mưa thường xảy ra sạt trượt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua các tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng có tổng mức đầu tư khoảng 1.435 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Mục tiêu là từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn hai tỉnh, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, tăng cường liên kết vùng...
Dự án có điểm đầu nằm ở điểm giao với Quốc lộ 1 tại ngã ba Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối giao với Quốc lộ 20 tại ngã ba Tahine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Theo kế hoạch, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B sẽ hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thiện, kết thúc trong năm 2026.
Từ cuối tháng 5 vừa qua, dự án đã bắt đầu được triển khai. Tại đoạn qua đèo Đại Ninh, nhà thầu bố trí nhiều mũi thi công san gạt, cải tạo lại các khúc cong, cua gấp trên đèo. Do thời điểm này đang mùa mưa nên ảnh hưởng lớn đến công tác thi công.
Những năm trước, vào mùa mưa bão, đoạn đèo này thường xuyên sạt lở, đất đá lăn xuống che lấp đường đi. Dọc tuyến đường đèo, các đoạn mặt đường bong tróc đang được dặm vá tạm để các phương tiện qua lại an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Trưởng phòng điều hành 1, Ban quản lý dự án 5 (đại diện chủ đầu tư) cho biết trên Chuyên trang ATGT (Báo Giao thông): "Khác với dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn lên Đà Lạt là nhà thầu được đóng đường khi thi công (vì có đường nhánh), còn đèo Đại Ninh là đường độc đạo, nên vừa thi công vừa điều tiết xe cộ lưu thông.
Mặt khác, đường đèo hay sạt lở vào mùa mưa bão như hiện nay, nên nhà thầu trong khi thi công phải bố trí biển cảnh báo từ xa, cử người điều tiết giao thông".
Ông Sang đánh giá đèo Đại Ninh là đoạn cực kỳ nguy hiểm cho tài xế. Theo ông, đèo Đại Ninh có ít nhất 9 khúc cua tay áo với bán kính nhỏ dưới 15m. Hơn nữa, vào mùa mưa đoạn đèo này thường xảy ra sạt trượt.
Các nhà thầu vừa thi công vừa đảm bảo an toàn giao thông do đèo độc đạo qua khu vực, không có đường phụ làm công vụ. Trên đèo cũng thường xuyên có sương mù và mưa lớn nên khuất tầm nhìn.
Để đảm bảo an toàn, đại diện chủ đầu tư khuyên tài xế nên lựa chọn lộ trình khác phù hợp hơn như Quốc lộ 20, Quốc lộ 27, Quốc lộ 28; không nhất thiết phải đi đường này trong giai đoạn đang cải tạo, nâng cấp. Hạn chế đi qua đèo vào dịp cuối tuần vì thời điểm đó thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường.
Quốc lộ 28B (trước là tuyến đường Lương Sơn - Đại Ninh) được khởi công vào giữa năm 2003, sau 5 năm thi công tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ cho việc thi công công trình nhà máy thủy điện Đại Ninh.
Tuyến đường này có nhiều đèo dốc, cua ngoặt, trong đó đèo Đại Ninh dài 12km, nhiều đoạn quanh co, uốn lượn, dốc cao nguy hiểm nhất. Thế nhưng đây cũng là cung đèo đẹp nhất ẩn hiện trong mây tại vùng núi cao Phan Sơn.
Theo nhiều du khách chia sẻ, khung cảnh cung đèo Đại Ninh tựa như bức tranh thủy mặc, ít nơi nào có được. Cả đoạn đường như một dải lụa mềm mại uốn lượn giữa núi rừng hùng vĩ, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên hoang sơ mà vẫn thơ mộng.
Vào mùa lạnh, tại đỉnh đèo Đại Ninh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng mây trắng bồng bềnh ôm ấp lấy những ngọn núi cao, tạo nên khung cảnh mờ ảo, lung linh. Xa xa, những cánh rừng già xanh thẳm ẩn hiện trong làn mây, điểm xuyết bởi những vườn cà phê nở hoa trắng xóa, tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần thơ mộng. Hai bên sườn đèo, những cánh hoa dại đua nhau khoe sắc.
Đứng trên đỉnh đèo, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng trùng điệp, hùng vĩ. Từng dãy núi hùng vĩ nối tiếp nhau, nhấp nhô như những con sóng khổng lồ.
Con đèo hiểm trở nhất Việt Nam sẽ thành không gian đô thị, du lịch sinh thái đạt chuẩn quốc tế
'Rót' hơn 3.300 tỷ đồng xây hầm đường bộ cao nhất Việt Nam qua con đèo lớn nhất vùng Tây Bắc