Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đón tin vui sau chuỗi ngày ảm đạm
Niềm tin tiêu dùng tại Indonesia đã bật tăng trở lại trong tháng 4 năm nay sau 3 tháng liên tiếp đi xuống, mang lại chút lạc quan cho nền kinh tế số 1 Đông Nam Á đang chịu áp lực vì tăng trưởng GDP quý I thấp hơn kỳ vọng.
Sau 3 tháng liền suy giảm, niềm tin tiêu dùng tại Indonesia cuối cùng đã tăng trở lại trong tháng 4 năm 2025, theo thông báo của Ngân hàng Trung ương nước này vào thứ Sáu (9/5) vừa qua.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Indonesia cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong tháng trước đạt 121,7 điểm. Bất kỳ mức điểm nào trên 100 đều cho thấy người tiêu dùng Indonesia cảm thấy lạc quan về nền kinh tế. Mặc dù các mức CCI trước đó vẫn phản ánh sự lạc quan, niềm tin của người dân “xứ sở vạn đảo” đã giảm dần trong suốt quý đầu tiên của năm 2025.

Indonesia bắt đầu năm nay với mức CCI là 127,2, giảm nhẹ so với mức 127,7 vào cuối năm 2024. Chỉ số này tiếp tục giảm xuống 126,4 vào tháng 2 và giảm thêm xuống 121,1 vào tháng 3, trước khi tăng trở lại lên mức 121,7 trong tháng 4 vừa qua.
“Mức tăng trong sự lạc quan này đến từ niềm tin ngày càng cao của người tiêu dùng vào điều kiện kinh tế hiện tại. Họ vẫn lạc quan về tương lai”, báo cáo của Ngân hàng Indonesia viết.
Dữ liệu cũng cho thấy những người có mức chi tiêu hàng tháng trên 5 triệu rupiah (gần 7,9 triệu đồng) vẫn duy trì thái độ tích cực về nền kinh tế khi mức CCI của họ không thay đổi, giữ ở mốc 127,9 trong hai tháng qua. Những người chi tiêu từ 4,1 đến 5 triệu rupiah mỗi tháng có chỉ số CCI tăng từ 123 vào tháng 3 lên 125,2 trong tháng 4. Nhóm tiêu dùng trong độ tuổi 20 là nhóm lạc quan nhất, với CCI đạt 126,4.
Ngân hàng Indonesia cũng tiết lộ nhận định của người dân về tình hình hiện tại so với 6 tháng trước. Chỉ số điều kiện kinh tế hiện tại (CECI) của đất nước đông dân thứ tư thế giới đã tăng từ 110,6 trong tháng 3 lên 113,7 trong tháng 4.
Bất chấp làn sóng sa thải lớn, những người trả lời khảo sát cho biết hiện nay có nhiều cơ hội việc làm hơn, thể hiện qua chỉ số phụ về việc làm hiện tại tăng từ 100,3 lên 101,6 trong cùng kỳ.
Người dân Indonesia tin rằng thu nhập hiện tại của họ đã tăng lên, được thể hiện qua mức tăng 4,1 điểm trong chỉ số phụ về thu nhập hiện tại. Chính phủ thường công bố mức tăng lương tối thiểu hằng năm. Tại thủ đô Jakarta – trung tâm hiện đại của Indonesia, mức lương tối thiểu năm 2025 đã tăng 6,5% lên gần 5,4 triệu rupiah (gần 8,5 triệu đồng).

Tuy nhiên, người dân Indonesia lại sụt giảm kỳ vọng vào tương lai. Chỉ số kỳ vọng tiêu dùng (CEI) – phản ánh kỳ vọng trong 6 tháng tới đã giảm từ 131,7 xuống 129,8. Kỳ vọng về hoạt động kinh doanh giảm 3,7 điểm trong tháng 4. Người dân ở đất nước có đến hơn 17.000 hòn đảo lo lắng rằng việc tìm kiếm việc làm sẽ khó khăn hơn, khi chỉ số phụ kỳ vọng về cơ hội việc làm giảm mạnh xuống còn 123,5.
Người tiêu dùng Indonesia đã chi tiêu trung bình 74,8% thu nhập trong tháng 4, cho thấy xu hướng tiết kiệm kiểu "thắt lưng buộc bụng" tăng lên. Tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập đã tăng lên 14,8%.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Indonesia được xem như một “luồng gió mới” sau khi nước này công bố không đạt được mức tăng trưởng 5% trong quý đầu tiên của năm 2025. Tăng trưởng GDP của Indonesia đã chậm lại còn 4,87% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan thống kê quốc gia (BPS) cho rằng điều này là do không có mùa bầu cử như năm ngoái, điều vốn thường thúc đẩy chi tiêu của Chính phủ Indonesia.
“Chúng ta đã có cuộc bầu cử trong quý I năm 2024, nhưng năm nay thì không. Việc không có kỳ bầu cử là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng 4,87%”, bà Amalia Adininggar Widyasanti, Tổng Cục trưởng BPS, cho biết với báo chí hồi đầu tuần này.
Theo Jakarta Globe