Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nâng mức báo động cao nhất sau 8 đợt phun trào núi lửa trong một tuần

Vũ Bấc 21/05/2025 14:30

Núi lửa Lewotobi Laki-laki trên đảo Flores, Indonesia, đã phun trào liên tiếp trong tuần qua, buộc chính quyền phải nâng mức cảnh báo lên cao nhất và mở rộng các khu vực cảnh báo nguy hiểm.

Chính quyền Indonesia đã nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Lewotobi Laki-laki lên mức cao nhất sau khi ngọn núi này ghi nhận tám lần phun trào chỉ trong một tuần, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thảm họa tại khu vực.

Trong thông báo phát đi tối 18/5, ông Muhammad Wafid – người đứng đầu Trung tâm Núi lửa và Giảm thiểu Thiên tai Địa chất Indonesia (PVMBG) – cho biết các đợt phun trào đã tạo ra cột tro bụi cao từ 3 km đến 5,5km so với miệng núi, lan rộng ra khu vực xung quanh.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nâng mức báo động cao nhất sau 8 đợt phun trào núi lửa trong một tuần - ảnh 1
Cột khói từ núi lửa Lewotobi Laki-laki phun trào vào ngày 19/5 nhìn từ làng Nobo ở Đông Flores, Indonesia

“Phân tích của chúng tôi cho thấy hoạt động của núi Lewotobi Laki-laki vẫn đang ở mức cao. Vì vậy, kể từ 20 giờ ngày 18/5, chúng tôi chính thức nâng mức cảnh báo lên cấp 4 – mức cao nhất trong thang cảnh báo núi lửa", ông Wafid nói.

Núi lửa Lewotobi Laki-laki nằm trên đảo Flores, thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara, là một trong những khu vực núi lửa hoạt động mạnh tại Indonesia – quốc gia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và phun trào núi lửa.

Hình ảnh được cơ quan chức năng công bố cho thấy những đám mây tro bụi dày đặc bốc cao từ miệng núi, che khuất bầu trời khu vực. Theo PVMBG, tiếng ầm ầm với cường độ từ thấp đến cao đã được ghi nhận tại trạm quan sát gần nhất trong quá trình phun trào.

Chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân và du khách không đến gần khu vực có bán kính 4km quanh miệng núi lửa để đảm bảo an toàn. Các chuyến bay trong khu vực cũng đang được theo dõi chặt chẽ để phòng nguy cơ tro bụi ảnh hưởng đến tầm nhìn và động cơ.

Sáng 19/5, núi lửa Lewotobi Laki-laki lại tiếp tục phun trào, tạo ra cột tro bụi cao tới 1,2 km (tương đương 3.900 feet), làm gia tăng lo ngại về tình hình địa chất bất ổn tại khu vực.

Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Địa chất Indonesia (PVMBG) cho biết khu vực có bán kính 6 km tính từ miệng núi lửa cần được dọn sạch hoàn toàn và hạn chế người dân tiếp cận. Đồng thời, cơ quan này cảnh báo nguy cơ xảy ra dòng dung nham lạnh – hiện tượng hỗn hợp của tro bụi, đất đá và nước mưa tràn xuống từ sườn núi với tốc độ cao – có thể đe dọa các khu dân cư lân cận trong điều kiện thời tiết xấu.

Tuy nhiên, theo ông Heronimus Lamawuran – một quan chức địa phương – đến thời điểm hiện tại, chưa có lệnh sơ tán cư dân nào được ban hành và các chuyến bay trong khu vực vẫn hoạt động bình thường.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, một đợt phun trào tại chính núi Lewotobi Laki-laki đã buộc nhiều hãng hàng không, trong đó có Qantas Airways và Jetstar của Úc, phải hủy hoặc hoãn các chuyến bay đến Bali. Trong một sự kiện nghiêm trọng hơn vào tháng 11 năm ngoái, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người phải sơ tán khi một núi lửa khác tại Indonesia hoạt động dữ dội.

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", khu vực thường xuyên xảy ra các trận động đất và phun trào núi lửa do sự chuyển động của nhiều mảng kiến tạo lớn. Với khoảng 130 núi lửa đang hoạt động, quốc gia này là một trong những điểm nóng địa chất lớn nhất thế giới, đồng thời cũng đối mặt thường xuyên với các rủi ro thiên tai liên quan đến núi lửa.

Tham khảo South China Morning Post (SCMP)

>> Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á cân nhắc điện hạt nhân bất chấp nguy cơ đánh thức “Vành đai lửa” Thái Bình Dương

Phát hiện ‘kho báu’ tiềm năng dưới đáy biển sâu, Mỹ có thể đạt lợi thế không tưởng giữa thương chiến với Trung Quốc?

Châu Á ghi nhận bốn trận động đất chỉ trong hơn một giờ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-nang-muc-bao-dong-cao-nhat-sau-8-dot-phun-trao-nui-lua-trong-mot-tuan-142823.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nâng mức báo động cao nhất sau 8 đợt phun trào núi lửa trong một tuần
    POWERED BY ONECMS & INTECH