Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á cân nhắc điện hạt nhân bất chấp nguy cơ đánh thức “Vành đai lửa” Thái Bình Dương
Trước áp lực tăng trưởng kinh tế và mục tiêu khí hậu, nhiều quốc gia Đông Nam Á cân nhắc điện hạt nhân như một giải pháp chiến lược, bất chấp rủi ro từ thiên tai và nguy cơ thảm họa.
Các nước Đông Nam Á đang hướng đến năng lượng hạt nhân nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt mục tiêu khí hậu, bất chấp lời kêu gọi tận dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào trong khu vực.
Theo DW, Indonesia và Philippines hiện đang dẫn đầu xu hướng này với những bước tiến cụ thể trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên của họ. Động thái này đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách năng lượng khu vực, với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của các nền kinh tế đang bứt phá.
Tuy nhiên, tham vọng này đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ thực tế địa chất của khu vực. Sự căng thẳng ngày càng tăng giữa mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, khử carbon và những rủi ro thiên nhiên không thể phủ nhận - đặc biệt liên quan đến sự bất ổn định địa chất.

Tại Philippines, nhà máy điện hạt nhân Bataan cách thủ đô Manila khoảng 64km đang được xem xét tái khởi động. Công trình này được xây dựng vào thập niên 1970 nhưng đã bị bỏ hoang trước khi chính thức vận hành sau sự sụp đổ của chế độ Ferdinand Marcos và thảm họa Chernobyl năm 1986 - sự cố đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và phát tán bụi phóng xạ khắp Bắc bán cầu.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr., con trai nhà lãnh đạo quá cố, Philippines đang quyết liệt hướng đến năng lượng hạt nhân như một giải pháp chiến lược. "Chúng tôi đang mở đường cho một chương trình năng lượng hạt nhân an toàn, bền vững và có trách nhiệm nhằm đảm bảo tương lai năng lượng của quốc gia", Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla tuyên bố hồi tháng Hai.
Trong khi đó, Indonesia cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị tương tự, bất chấp các điều kiện địa lý tương đồng với Philippines về mức độ rủi ro.
Các chuyên gia môi trường và địa chất bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng này. "Indonesia và Philippines đã bày tỏ ý định phát triển điện hạt nhân mặc dù nằm tại khu vực có hoạt động địa kiến tạo mạnh và nguy cơ động đất, sóng thần cao," ông Gary Theseira, Giám đốc Climate Governance Malaysia, cảnh báo.
Đối với các quốc gia nằm trên "Vành đai lửa" - chuỗi các núi lửa và đới đứt gãy địa chất quanh Thái Bình Dương nơi thường xuyên xảy ra động đất mạnh, việc phát triển năng lượng hạt nhân đặt các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc giữa tham vọng phát triển quốc gia và hiểm họa tiềm tàng khó lường từ nhiều yếu tố.

Theo nghiên cứu của tổ chức Ember (London), Philippines hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ phụ thuộc vào than đá, cùng với Indonesia. Báo cáo năm 2023 chỉ ra Philippines là quốc gia có tỷ lệ sử dụng than cao nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh thế giới đang tập trung cắt giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng hạt nhân trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Công nghệ này không trực tiếp thải ra carbon dioxide hay các khí nhà kính khác trong quá trình vận hành, khác biệt hoàn toàn so với việc đốt than hay khí đốt.
Indonesia và Philippines đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Lò phản ứng Mô-đun Nhỏ (SMR), phần lớn xuất phát từ niềm tin vào các tính năng an toàn tiên tiến của công nghệ mới này có khả năng giảm thiểu rủi ro địa chất vốn có tại khu vực.
Công nghệ SMR được giới thiệu với nhiều ưu điểm vượt trội: mức độ an toàn được nâng cao, hệ thống làm mát thụ động và diện tích lắp đặt nhỏ gọn. Đối với các quốc gia thường xuyên đối mặt với thách thức địa chất, SMR đại diện cho giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm "giảm thiểu rủi ro" trong phát triển điện hạt nhân, biến một quyết định đầy thách thức trở nên khả thi hơn trên thực tế.
Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng quốc gia, với mục tiêu đạt 1.200 megawatt vào năm 2032 và nâng lên 4.800 megawatt đến năm 2050.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường phản đối mạnh mẽ chiến lược này. Chuyên gia Derek Cabe từ ‘Phong trào Bataan loại trừ năng lượng hạt nhân và năng lượng than’ đã phát biểu với DW: "Câu chuyện về năng lượng hạt nhân sạch là sai lầm. Đó chỉ là sự giả vờ và đánh lạc hướng". Ông chỉ ra rằng quá trình khai thác và vận chuyển uranium - nguyên liệu cần thiết cho năng lượng hạt nhân - vẫn tạo ra lượng carbon đáng kể.
Theo ông Cabe, giải pháp tối ưu cho quốc gia quần đảo này là năng lượng tái tạo từ mặt trời, thủy điện và gió - những nguồn tài nguyên dồi dào tại Philippines. Tuy nhiên, thiếu ý chí chính trị từ chính phủ và phân bổ ngân sách không hợp lý đang là "rào cản chính" ngăn cản việc khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo.
"Chúng ta không có ý chí chính trị để thực sự ưu tiên năng lượng tái tạo vì sự thúc đẩy hoặc lôi kéo của các doanh nghiệp," bà khẳng định, đồng thời chỉ ra rằng lợi ích doanh nghiệp cố hữu và biên lợi nhuận cao hơn trong ngành nhiên liệu hóa thạch là trở ngại lớn cho sự chuyển đổi năng lượng.

Trong khi đó, Indonesia đã công bố kế hoạch đầy tham vọng, hướng tới mục tiêu sản xuất 75% điện năng từ các nguồn năng lượng "sạch" trong 15 năm tới, với năng lượng hạt nhân nằm trong danh sách ưu tiên.
Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai: công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến chỉ bắt đầu vào năm 2032, trong khi hệ thống pháp lý và khung quản lý về hạt nhân chưa được hoàn thiện.
Theo Grita Anindarini, chiến lược gia cấp cao tại Trung tâm Luật Môi trường Indonesia, việc tập trung vào các nhà máy điện hạt nhân - vốn đòi hỏi chi phí khổng lồ và thời gian xây dựng kéo dài - mà không ưu tiên năng lượng tái tạo là một quyết định thiếu khôn ngoan, đặc biệt đối với các quốc gia nhiều nắng và đa đảo như Indonesia và Philippines, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của động đất và thiên tai.
"Làm thế nào chúng ta có thể xử lý chất thải phóng xạ và các chất thải cực độc khác có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường? Tại sao lại đầu tư vào hoạt động rủi ro cao khi chúng ta có những lựa chọn an toàn và thân thiện hơn với môi trường?" Anindarini chia sẻ với DW.
Giáo sư Thuy Le, chuyên gia năng lượng hạt nhân từ Đại học San Jose, đề xuất phương án thận trọng hơn: "Hãy bắt đầu với SMR, hoặc thậm chí là lò phản ứng vi mô, và tiến hành từng bước một".
Các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) được đánh giá đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí xây dựng so với các nhà máy quy mô lớn đòi hỏi nhiều năm hoàn thiện. Kích thước nhỏ gọn giúp giảm thiểu một số rủi ro tiềm ẩn trong sản xuất năng lượng hạt nhân, dù vẫn còn những lo ngại về an toàn chưa được giải quyết, đặc biệt trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng.
Chuyên gia Alvin Chew thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) Singapore cho rằng công nghệ này cũng có thể là lựa chọn phù hợp cho Singapore trong tương lai. Ông nhấn mạnh: "Việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thông thường lớn là không khả thi" đối với quốc đảo có diện tích hạn chế này.
Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất mà các chính phủ Đông Nam Á phải vượt qua là thuyết phục người dân về tính an toàn và hiệu quả của năng lượng hạt nhân.
Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) chỉ ra rằng công chúng trong khu vực vẫn còn nhiều hoài nghi về việc phát triển năng lượng hạt nhân, chủ yếu do nhận thức về những rủi ro tiềm ẩn của công nghệ này.
Chuyên gia Alvin Chew chia sẻ với DW rằng các thảm họa tại Chernobyl và Fukushima cùng hậu quả của Thế chiến II đã “cắm rễ” những lo ngại về rủi ro khi nhắc tới năng lượng hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh: "Khu vực này thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý an toàn vận hành các nhà máy điện hạt nhân."
Theo ông Chew, để thay đổi quan điểm của công chúng tại Singapore và các quốc gia trong khu vực sẽ đòi hỏi "một sự chuyển biến căn bản nhằm xóa bỏ định kiến về năng lượng hạt nhân."
Derek Cabe, nhà hoạt động chống hạt nhân tại Bataan - nơi tọa lạc nhà máy hạt nhân duy nhất còn tồn tại trong khu vực, bày tỏ lo ngại sâu sắc khi chỉ ra rằng "nhà máy này được xây dựng trên đỉnh một ngọn núi lửa."
"Nếu xảy ra sự cố với nhà máy, những người sinh sống ở tuyến đầu như chúng tôi sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất," bà cảnh báo.
Tham khảo DW
>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn xây ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân
Hai siêu cường cùng bơm vốn, 'thắp lửa' cho tuyến đường sắt 181.000 tỷ đồng ở Đông Nam Á
Trung Quốc đối mặt cảnh báo an toàn từ hơn 100 lò phản ứng hạt nhân