Nền kinh tế lớn nhất thế giới lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, gần 190 công ty nộp đơn xin phá sản
Trong ba tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp lớn tại Mỹ nộp đơn xin phá sản đã tăng vọt, đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường S&P Global Market Intelligence, tính đến hết tháng 3, đã có 188 công ty chính thức đệ đơn xin phá sản – vượt xa con số 139 doanh nghiệp cùng kỳ năm ngoái và chỉ xếp sau kỷ lục 254 đơn phá sản trong quý I năm 2010, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn gây tác động lớn.

Trong số những cái tên nổi bật tuyên bố phá sản trong tháng 3, đáng chú ý có Forever 21 – thương hiệu thời trang giá rẻ quen thuộc với giới trẻ, Mitel Networks – công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và Village Roadshow Entertainment Group – một trong những nhà sản xuất phim có tiếng tại Mỹ.
Ngoài ra, chuỗi nhà hàng Hooters of America và hãng xét nghiệm gene 23andMe cũng đang đứng trước tình trạng tài chính bấp bênh và buộc phải tìm đến con đường pháp lý tương tự.
Ngày 16/3 vừa qua, Forever 21 lần thứ hai nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Lần gần nhất hãng thực hiện điều này là vào năm 2019. Tuy nhiên, sau khi phục hồi một phần, Forever 21 tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức như lượng khách đến trung tâm thương mại sụt giảm, lạm phát kéo dài và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các thương hiệu bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp đến từ Trung Quốc như Shein và Temu.
Bên cạnh đó, công ty tài chính tiêu dùng Synchrony Financial (SYF.N) cũng chỉ ra người tiêu dùng Mỹ đang bắt đầu hạn chế chi tiêu do giá cả tăng cao và triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi. Giám đốc Tín dụng của Synchrony, Max Axler nhận định: "Chúng tôi ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về khối lượng mua sắm trên toàn thị trường, khi người tiêu dùng ở mọi phân khúc thu nhập đều trở nên dè dặt hơn trong việc chi tiêu".
Theo các chuyên gia từ S&P Global Market Intelligence, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều công ty lâm vào thế bí là do phải tái cấp vốn với lãi suất cao hơn so với thời điểm vay ban đầu.
Tình trạng phá sản không phải là điều mới trong vài năm trở lại đây, nhưng đang có dấu hiệu tăng tốc. Được biết, số doanh nghiệp tại Mỹ phá sản từ hai lần trở lên trong năm 2023 và 2024 đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2020 — cho thấy nhiều công ty vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy khó khăn kéo dài hậu đại dịch, lạm phát, và biến động thị trường toàn cầu.
>> Lên sàn 4 năm không có lãi: Công ty nộp đơn xin phá sản, 7 Giám đốc đồng loạt từ chức
Kỳ lân công nghệ phá sản, dữ liệu của 15 triệu khách hàng có thể bị bán đấu giá
Lên sàn 4 năm không có lãi: Công ty nộp đơn xin phá sản, 7 Giám đốc đồng loạt từ chức