Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay, đối mặt khủng hoảng ‘việc ít, người nhiều’ tồi tệ nhất 28 năm

Đăng Đức 24/07/2025 05:06

Hàn Quốc đang chứng kiến sự suy giảm tuyển dụng tồi tệ nhất đối với người tìm việc toàn thời gian kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo ước tính gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), Hàn Quốc vẫn đang là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của “xứ sở kim chi” giai đoạn năm 2024 – 2025 là khoảng 1,7 - 1,8 nghìn tỷ USD, chỉ xếp sau lần lượt Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Tuy nhiên, tỷ lệ số việc làm trên mỗi người tìm việc trong tháng 6/2025 của Hàn Quốc đã chạm mức thấp nhất sau 28 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, phản ánh sự suy giảm rõ rệt trong khả năng tiếp cận việc làm chất lượng giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung la, đối mặt khủng hoảng ‘việc ít, người nhiều’ tồi tệ nhất 28 năm - ảnh 1
Người lao động tìm kiếm cơ hội tại một hội chợ việc làm được tổ chức ở thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc vào ngày 9/7/2025 - Ảnh: Woo Sang-jo/Korea JooAng Daily

>> Đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á thừa nhận khó có thể đạt thỏa thuận với ông Trump trước hạn chót 8/7

Theo báo cáo “Xu hướng Thị trường Lao động tháng 6 dựa trên Thống kê Hành chính Việc làm” do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc công bố hôm thứ Hai (14/7), số lượng việc làm mới được đăng tải trên nền tảng tuyển dụng của Chính phủ “Work 24” trong tháng trước đạt 151.000, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, số người tìm việc mới ở Hàn Quốc đạt 387.000 người, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Do đó, tỷ lệ việc làm trên ứng viên giảm 0,1 điểm % xuống còn 0,39 – nghĩa là cứ 100 người tìm việc thì chỉ có 39 vị trí việc làm có sẵn, con số này đánh dấu mức thấp nhất cho tháng 6 kể từ năm 1999, khi tỷ lệ này là 0,25.

Trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ này vào tháng 6 đã giảm từ 0,64 năm 2016 xuống 0,48 năm 2020 (trong đại dịch Covid-19), sau đó phục hồi lên 0,78 năm 2022 nhưng kể từ đó lại tiếp tục suy giảm.

Xu hướng này trái ngược với tỷ lệ việc làm tổng thể của Hàn Quốc, tức tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có việc làm, đã đạt kỷ lục 63,8% trong tháng 5. Tuy nhiên, tỷ lệ này bao gồm tất cả hình thức việc làm như người làm công ăn lương, người tự kinh doanh, người lao động gia đình không hưởng lương...

>> Quốc gia châu Á có hơn 200 cụ già trên trăm tuổi, vẫn hưởng lương hưu hàng tháng 'đều như vắt tranh'

Trong khi đó, tỷ lệ việc làm trên người tìm việc chỉ tập trung vào các công việc chính thức (toàn thời gian, có lương định kỳ), vốn thường có điều kiện lao động tốt hơn. Từ góc nhìn hẹp hơn này, tình trạng thiếu hụt việc làm chất lượng cao trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Hàn Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung la, đối mặt khủng hoảng ‘việc ít, người nhiều’ tồi tệ nhất 28 năm - ảnh 2
Tình trạng "việc ít, người nhiều" tồi tệ nhất sau 28 năm ở Hàn Quốc - Ảnh: Woo Sang-jo/Korea JooAng Daily

Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp tại “siêu cường châu Á” này giảm tuyển dụng là do nền kinh tế suy thoái kéo dài. Bên cạnh đó là chi phí lao động tăng, tự động hóa phát triển và các bất ổn kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.

Ví dụ, vào ngày 10/7, công ty lọc dầu S-Oil bất ngờ dừng quy trình tuyển dụng cho vị trí bán lẻ, với lý do “những bất ổn ngày càng gia tăng trong môi trường kinh doanh toàn cầu, bao gồm thay đổi đột ngột trong chính sách thuế quan và kết quả kinh doanh xấu đi”, theo nội dung email mà doanh nghiệp này gửi đến các ứng viên.

Sự gia tăng số người tìm việc ở Hàn Quốc phần lớn đến từ xu hướng giới trẻ muốn tìm việc làm ổn định, toàn thời gian. Mặc dù tỷ lệ việc làm trên người tìm việc giảm, nhưng số người đang tham gia bảo hiểm việc làm cho lao động chính thức – một chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng việc làm – vẫn tiếp tục tăng.

Tháng trước, con số này đạt 15,59 triệu người, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là mức tăng thấp nhất cho tháng 6 kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1997.

Trong lĩnh vực sản xuất – trụ cột của thị trường lao động, số lượng lao động tham gia bảo hiểm đã giảm 1.000 người so với năm trước, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên trong 54 tháng.

Mặc dù số lượng lao động nước ngoài có visa E-9 và H-2 tiếp tục tăng, nhưng sự sụt giảm trong lực lượng lao động trong nước đã lớn hơn. Ngành xây dựng – vốn đang trong giai đoạn khủng hoảng kéo dài – đã mất đi 19.000 việc làm so với cùng kỳ, nối dài chuỗi 23 tháng liên tiếp sụt giảm việc làm. Nguyên nhân bao gồm đơn hàng và hợp đồng khu vực tư nhân giảm, lãi suất cao, cắt giảm đầu tư công, rủi ro tài chính dự án và tự động hóa gia tăng.

Một Giám đốc của Bộ Lao động Hàn Quốc cảnh báo rằng tình hình việc làm trong ngành sản xuất sẽ tiếp tục khó khăn, dựa trên số liệu cho thấy nền kinh tế và xuất khẩu đã tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2025 và triển vọng nửa cuối năm nay còn u ám hơn.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết: “Nhiều yếu tố bất ổn trong và ngoài nước đang dần được giải quyết. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy số lượng bài tuyển dụng trên nền tảng Job Korea bắt đầu phục hồi trong tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 6. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ cải thiện bắt đầu từ tháng này”.

Cũng có nhiều dự báo xoay quanh tác động của việc tăng lương tối thiểu năm sau thêm 10.320 won (hơn 194.000 đồng), tăng 2,9% so với năm nay.

Bà Kim Ji-yeon, Trưởng Bộ phận dự báo tại Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định: “Mức tăng này có thể gây áp lực đến việc làm trong các ngành dịch vụ kỹ năng thấp như khách sạn và ăn uống. Lương tối thiểu đã tăng mạnh, khoảng 60% từ năm 2017 đến năm 2026. Các lần điều chỉnh sau nên ở mức vừa phải hơn”.

Theo Korea JoongAng Daily

>> Hơn 100 tấn vàng 'cất giấu' ở nước ngoài, tại sao nền kinh tế lớn thứ tư châu Á không muốn đưa về nước?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau tại Hàn Quốc

Nhà thờ Thống Nhất Hàn Quốc bị lục soát trong cuộc điều tra cựu đệ nhất phu nhân

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-4-chau-a-lung-la-doi-mat-khung-hoang-viec-it-nguoi-nhieu-toi-te-nhat-28-nam-146893.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay, đối mặt khủng hoảng ‘việc ít, người nhiều’ tồi tệ nhất 28 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH