Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: GDP lao dốc, xuất nhập khẩu trì trệ, đàm phán với Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ
Trong khi thặng dư thương mại giữa hai nước thu hẹp, tiến trình đàm phán song phương vẫn chưa đạt tiến triển rõ rệt khiến triển vọng kinh tế Nhật thêm phần bất định.
Dữ liệu công bố hôm 21/5 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản tăng chậm lại trong tháng thứ 2 liên tiếp khi nền kinh tế nước này chịu sức ép từ các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Xuất khẩu sang Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nhật - giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2024. Trước đó, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 3,1% vào tháng 3.
Thặng dư thương mại của Nhật với Mỹ thu hẹp xuống còn 780,6 tỷ yên (tương đương 5,4 tỷ USD) trong tháng 4, giảm so với mức 846,9 tỷ yên của tháng trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật tăng 2%, đúng như dự báo của các nhà phân tích do Reuters khảo sát. Tuy nhiên, đây là tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, và là mức thấp nhất kể từ tháng 9 - thời điểm xuất khẩu giảm 1,7%.
Nhập khẩu cũng giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn mức dự báo giảm 4,5%.

Xuất khẩu thiết bị vận tải (bao gồm ô tô và linh kiện) sang Mỹ giảm 4,1% tính theo giá trị. Theo dữ liệu hải quan, ô tô chiếm 28,3% tổng lượng hàng xuất khẩu của Nhật sang Mỹ trong năm 2024.
Nhật Bản đang phải chịu mức thuế 25% đối với các mặt hàng ô tô, thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời chịu mức thuế cơ bản 10% mà ông Trump áp dụng với phần lớn đối tác thương mại. Ngoài ra, hàng hóa Nhật còn bị áp thuế “đối xứng” 24% - hiện đang tạm hoãn 90 ngày.
“Xuất khẩu ròng sẽ tiếp tục là lực cản với tăng trưởng GDP trong quý II/2025”, Abhijit Surya, chuyên gia kinh tế khu vực APAC tại Capital Economics, nhận định. Ông dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể hoãn lần tăng lãi suất tiếp theo sang tháng 10, khi triển vọng chính sách thuế của Mỹ rõ ràng hơn.
GDP thực tế của Nhật trong quý I/2025 giảm 0,7% theo năm, theo số liệu sơ bộ của Chính phủ, do tiêu dùng cá nhân trì trệ và xuất khẩu tăng trưởng yếu.
Stefan Angrick, trưởng bộ phận phân tích kinh tế Nhật Bản và thị trường biên tại Moody’s Analytics, nhận xét: “Các nhà sản xuất Nhật Bản sắp phải đối mặt với giai đoạn đầy thách thức”. Ông cảnh báo các chính sách thương mại “thay đổi thất thường” có thể gây ra tác động tiêu cực lan rộng tới toàn nền kinh tế.
Ngay cả khi Nhật đạt được thỏa thuận với Mỹ, ông cho rằng “khả năng trở lại các điều kiện thương mại như trước thời ông Trump gần như không tồn tại”.
Dù là nước đầu tiên khởi động đàm phán thương mại song phương với Mỹ, tiến trình của Nhật có dấu hiệu đình trệ. Hôm 20/5, trưởng đoàn đàm phán thương mại Ryosei Akazawa một lần nữa kêu gọi Washington gỡ bỏ các mức thuế đối với hàng hóa Nhật Bản.
Ông khẳng định Tokyo sẽ không vội vã ký kết một thỏa thuận nếu điều đó ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Theo CNBC