Thế giới

Hơn 5 triệu người trên 70 tuổi vẫn phải đi làm: Chuyện gì xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới?

Lam Vy 19/05/2025 16:46

“So với lao động trẻ vốn có tỷ lệ nghỉ việc cao, người lớn tuổi làm việc lâu dài mới là trụ cột của doanh nghiệp”, Chủ tịch Kimino Osada của công ty dịch vụ bảo trì Seisei Server ở tỉnh Shizuoka cho biết.

Khi dân số già hóa nhanh chóng, xã hội và doanh nghiệp Nhật Bản đang buộc phải thay đổi cách nhìn về tuổi già và lao động. Theo thống kê, hiện có 5,4 triệu người từ 70 tuổi trở lên vẫn đang tham gia vào lực lượng lao động, trong một quốc gia từng coi nghỉ hưu ở tuổi 60 là điều hiển nhiên.

Hơn 5 triệu người trên 70 tuổi vẫn phải đi làm: Chuyện gì xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới? - ảnh 1
Tại Nhật, hiện có 5,4 triệu người từ 70 tuổi trở lên vẫn đang tham gia vào lực lượng lao động

Tại công ty kinh doanh thiết bị nhà bếp Tenpos Holdings, ông Keno Nagasaki, 82 tuổi, không chỉ phụ trách các vấn đề về bảo hiểm và lao động, mà còn tham gia đào tạo và hướng dẫn an toàn cho các nhân viên lớn tuổi khác. Là người từng là giáo viên, ông Nagasaki chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khi ngoài 50 tuổi, và gia nhập Tenpos vào năm 2006. “Tôi không lo ngại sự chênh lệch tuổi tác với người khác. Tôi muốn tiếp tục làm việc miễn là còn sự tò mò”, ông chia sẻ.

Ngay từ khi thành lập năm 1997, Tenpos đã gặp khó khăn trong tuyển dụng. Đến năm 2005, công ty quyết định loại bỏ độ tuổi nghỉ hưu. Kết quả, hơn 30% nhân viên tại công ty chính hiện nay từ 60 tuổi trở lên. “Người 60 tuổi bây giờ vẫn còn trẻ. Trong thời đại thiếu hụt lao động này, các nhà quản lý cần biết cách tìm ra những ‘người cao tuổi có giá trị’”, Chủ tịch kiêm người sáng lập công ty, ông Atsushi Morishita, 78 tuổi, nhận định.

Việc nghỉ hưu ở tuổi 60 từng là quy chuẩn tại hầu hết các công ty Nhật. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, luật lao động sửa đổi yêu cầu các doanh nghiệp phải giữ lại nhân viên có nguyện vọng làm việc đến 65 tuổi. Từ năm 2021, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các công ty tạo điều kiện việc làm cho người lao động tới 70 tuổi, đặc biệt tại các khu vực thiếu nhân lực trầm trọng.

Tại công ty dịch vụ bảo trì Seisei Server ở tỉnh Shizuoka, khoảng 25% trong số 380 nhân viên hiện nay đã ngoài 70 tuổi. Công ty đã bỏ quy định về tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. “So với lao động trẻ vốn có tỷ lệ nghỉ việc cao, người lớn tuổi làm việc lâu dài mới là trụ cột của doanh nghiệp”, Chủ tịch Kimino Osada cho biết.

Hơn 5 triệu người trên 70 tuổi vẫn phải đi làm: Chuyện gì xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới? - ảnh 2
Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Lao động Nhật Bản với khoảng 230.000 doanh nghiệp, 42% cho phép nhân viên làm việc tới 70 tuổi hoặc lâu hơn

Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Lao động Nhật Bản với khoảng 230.000 doanh nghiệp, 42% cho phép nhân viên làm việc tới 70 tuổi hoặc lâu hơn - gấp đôi tỷ lệ năm 2013. Tính đến năm ngoái, số người trên 70 tuổi đang đi làm đã tăng 70% so với năm 2014.

Tỷ lệ lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm trung bình 14% trên toàn quốc, đặc biệt cao trong các ngành chăm sóc y tế và xây dựng - nơi đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng - đạt từ 16% đến 17%.

Sự hiện diện ngày càng lớn của người cao tuổi trong lực lượng lao động đang tạo ra thay đổi trong cách tổ chức và đánh giá công việc.

Tại hệ thống viện dưỡng lão Gashouen, khoảng 15% nhân viên đã trên 70 tuổi. Những người này được phân công làm việc vào ban ngày với khối lượng công việc nhẹ nhàng hơn, theo chế độ ca ngắn từ 2–3 buổi mỗi tuần tùy thể trạng. Người làm việc từ 20 giờ/tuần trở lên được xếp vào nhóm hợp đồng, hưởng mức lương giờ cao hơn so với lao động thời vụ.

“Không thể ép người vào khuôn mẫu. Phải thiết kế giờ làm linh hoạt, phù hợp với năng lực đa dạng của đội ngũ”, Chủ tịch Kazushige Mori nhấn mạnh.

Các tập đoàn lớn cũng đang điều chỉnh chính sách. Từ tháng 4/2024, hãng snack Calbee cho phép những nhân viên có kỹ năng đặc thù như sản xuất, phát triển và pháp lý - tiếp tục làm việc sau 60 tuổi mà không bị giảm thu nhập. Tập đoàn điều hòa Daikin thì nới rộng chính sách thưởng cho người lao động tái tuyển dụng từ 60 tuổi trở lên.

“Nếu người cao tuổi làm việc năng động hơn, chi phí bảo hiểm xã hội sẽ giảm bớt. Cần tăng cường hợp tác công - tư, như áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, để thúc đẩy việc làm ở nhóm tuổi này”. ông Takashi Sakamoto từ Viện Nghiên cứu Việc làm Recruit Works nhận định.

Tham khảo Nikkei

>> Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn với tốc độ không tưởng rồi đổ vào Nhật Bản: Chuyện gì đang xảy ra?

Sa thải 10.000 người, đóng cửa vài nhà máy: Chuyện gì xảy ra với ông lớn ô tô Nhật Bản?

1 triệu USD 'bốc hơi' mỗi giờ, niềm tự hào Nhật Bản trở thành ‘nạn nhân’ lớn nhất vì đòn thuế của ông Trump

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/hon-5-trieu-nguoi-tren-70-tuoi-van-phai-di-lam-chuyen-gi-xay-ra-tai-nen-kinh-te-lon-thu-4-the-gioi-142728.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hơn 5 triệu người trên 70 tuổi vẫn phải đi làm: Chuyện gì xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH