Tài chính Ngân hàng

Nếu Covid quay lại, bạn có đủ dự phòng để trụ vững trong 3 tháng?

Hà Anh 25/05/2025 - 17:52

Covid có thể quay lại, đây là lúc để nhìn lại cả sức khỏe lẫn tài chính cá nhân.

"Sáng nay, khi lướt tin tức, tôi đọc thấy vài ca sốt cao bất thường, vài ổ dịch nhỏ lẻ ở Hà Nội và TP. HCM. Chưa ai nói rõ điều gì. Nhưng trong lòng tôi lại dội lên một cảm giác rất cũ – cái cảm giác của năm 2021. Thời điểm mà chỉ cần tiếng chuông điện thoại của tổ dân phố vang lên, tim lại đập mạnh như trống dồn.

Lúc đó, tôi không có nhiều. Và thật ra cũng chẳng biết cách bảo vệ chính mình. Cứ nghĩ dịch sẽ đi nhanh như cách nó đến. Nhưng hóa ra, nó ở lại đủ lâu để nhiều người không còn cơ hội làm lại.

Tôi không hoảng. Nhưng lần này, tôi cảnh giác. Và hơn thế nữa, tôi coi đây là thời điểm để “reset” lại chính mình, cả về sức khỏe lẫn tài chính cá nhân".

Đó chính là những dòng chia sẻ trên Facebook của ông Lâm Tuấn - Chuyên gia tài chính cá nhân. Bài viết ngắn về cách quản lý tài chính sau mùa đại dịch của ông, đang nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ.

linh-nqs.png

Đừng đợi dịch quay lại mới nghĩ đến dự phòng

Covid từng cướp đi không chỉ sinh mạng mà còn cả sự ổn định tài chính của hàng triệu người. Đó là những người mất việc chỉ sau một email ngắn ngủi, những cửa hàng buộc đóng cửa vì không kham nổi tiền thuê mặt bằng, hay những ông bố bà mẹ từng vững vàng mà chỉ còn vài triệu trong ví, không đủ để trụ qua 10 ngày phong tỏa.

Hơn ba năm đã trôi qua, cuộc sống tưởng chừng đã quay về nhịp cũ. Nhưng lần này, khi những thông tin về dịch bệnh bắt đầu lác đác trở lại. Ông chủ động, ông coi đây là thời điểm để “reset” lại bản thân – không chỉ về sức khỏe, mà còn về cách sống và cách quản lý tài chính.

Theo ông Tuấn, điều đáng tiếc là nhiều người chỉ bắt đầu nghĩ đến kế hoạch dự phòng sau khi dịch ập tới. “Tôi hiểu rằng, không phải ai nghèo mới khổ. Mà là ai không có dự phòng thì mới gục ngã nhanh”, ông Lâm Tuấn nói.

Chính vì vậy, ông lựa chọn chuẩn bị sớm bằng cách xây dựng một quỹ dự phòng tương đương ba tháng chi phí cơ bản, được gửi vào một tài khoản riêng và tuyệt đối không đụng đến, kể cả trong lúc túng thiếu. Ông cũng mua một gói bảo hiểm y tế đủ dùng, không phải loại “cho có”, mà là loại có thể giúp bản thân yên tâm nếu chẳng may phải nhập viện. Đồng thời, ông chủ động liệt kê tất cả các khoản nợ hiện có để kịp thời lên phương án thương lượng, giãn hoặc thanh toán dứt điểm trước khi tình hình trở nên tồi tệ.

Dịch bệnh có thể gián đoạn thu nhập nhưng không nên gián đoạn tư duy đầu tư

Với ông Tuấn, dịch bệnh có thể gián đoạn thu nhập, nhưng không nên làm gián đoạn tư duy đầu tư. Từng là người “nghĩ đến đâu tiêu đến đó”, nhưng sau Covid, ông nhận ra chỉ có tiền làm ra tiền mới giúp mình thoát khỏi cảnh loay hoay với từng bữa ăn. Dù bối cảnh thị trường có thể thay đổi, ông vẫn giữ thói quen đầu tư đều đặn mỗi tháng, dù chỉ là một chỉ vàng hay một khoản nhỏ vào chứng chỉ quỹ. Không phải vì lợi nhuận nhanh chóng, mà vì kỷ luật.

Một trong những nguyên tắc tiêu dùng mà ông học được trong mùa dịch là sự chọn lọc khắt khe trước khi chi tiêu. Trước mỗi món đồ giảm giá, ông luôn tự hỏi: “Mình có dùng nó ít nhất 5 lần không?”

Ông không còn tin vào phép màu tài chính, nhưng tin vào sức mạnh của những quyết định nhỏ, được lặp lại đều đặn. Bởi theo ông, dịch bệnh có thể lấy đi nhiều thứ, nhưng không thể lấy đi thói quen tốt trừ khi bạn chưa từng có chúng.

Covid từng khiến nhiều người trắng tay, nhưng cũng chính trong hỗn loạn đó, có những người bắt đầu hành trình mới. Có người khởi nghiệp từ căn bếp nhỏ trong nhà, có người học đầu tư, có người viết nên hành trình tự do tài chính từ chính những ngày phong tỏa.

Ông Tuấn không thần thánh hóa dịch bệnh, nhưng tin rằng nếu buộc phải dừng lại, thì nên tận dụng khoảng lặng đó để nhìn lại và điều chỉnh bản thân. Lần này, nếu Covid quay lại, ông sẽ không chọn co cụm trong vùng an toàn. Thay vào đó, ông tận dụng thời gian ở nhà để học thêm kỹ năng quản lý tài chính, rà soát lại mục tiêu cá nhân, và lập một bảng theo dõi mang tên “Chi tiêu mùa dịch” – để biết tiền đang đi đâu và điều chỉnh kịp thời.

Bạn không cần phải có thật nhiều tiền để an tâm trước dịch. Chỉ cần bạn biết mình cần bao nhiêu để sống ba tháng nếu mọi thứ dừng lại,” ông chia sẻ. Theo ông, không cần phải cắt giảm đến mức sống khổ, chỉ cần biết cắt đúng chỗ, để dành đúng lúc. Và thay vì chống dịch bằng cách thu mình lại, hãy chọn đầu tư vào đúng thứ: sức khỏe, kiến thức và thói quen tốt.

Bởi lẽ, nếu dịch thực sự quay lại, những người đã chuẩn bị sẽ không còn là người hoảng loạn. Họ sẽ là những người dẫn dắt gia đình và cộng đồng đi qua cơn bão, bằng sự tỉnh táo và bản lĩnh đã được trui rèn từ những lần thử thách trước.

>> 5 nguyên tắc vàng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

5 nguyên tắc vàng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Hoạch định tài chính cá nhân: Nghề mới giữa thời đại số và nhu cầu lớn từ thị trường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/neu-covid-quay-lai-ban-co-du-du-phong-de-tru-vung-trong-3-thang-290764.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Nếu Covid quay lại, bạn có đủ dự phòng để trụ vững trong 3 tháng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH