Nga đã dành nhiều năm để xây dựng kho dự trữ vàng khổng lồ, tài sản mà các ngân hàng trung ương dùng khi bị khủng hoảng. Tuy nhiên, việc bán kho vàng này đang trở thành một thách thức đối với Nga.
Theo Bloomberg, kể từ giữa những năm 2000, Nga đã tăng dự trữ vàng lên gần gấp 6 lần, tạo ra kho dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới với giá trị khoảng 140 tỷ USD. Vàng là loại tài sản mà Nga có thể bán ra để nâng cao giá trị đồng Rúp vốn đã sụt mạnh khi nền kinh tế bị cô lập kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Ukraine.
Tuy nhiên, Nga phải đối mặt với câu hỏi khó là ai sẽ mua lại kho dự trữ vàng trị giá 140 tỷ USD này. Các lệnh trừng phạt của phương Tây cấm các tổ chức tài chính của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) làm ăn với Ngân hàng Trung ương Nga.
Các nhà giao dịch và các ngân hàng cũng cảnh giác với việc mua vàng miếng của Nga một cách gián tiếp hoặc sử dụng những ngoại tệ khác bởi lo ngại danh tiếng bị tổn hại hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt.
Bloomberg cho rằng, giờ đây, rất nhiều thượng nghị sĩ ở Washington (Mỹ) còn muốn áp các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai mua hoặc bán vàng của Nga.
Ông Fergal O'Connor, một giảng viên tại Trường Kinh doanh (Đại học Cork) cho rằng: "Có lý do để Nga tăng dự trữ vàng, tất cả là để phòng cho những tình huống như thế này. Song, nếu không ai chịu giao dịch với Nga, có kho dự trữ vàng khổng lồ cũng không nghĩa lý gì".
Cùng với đó, Jeff Christian, Đối tác quản lý tại Tập đoàn CPM, Moscow có thể cần phải tìm tới các ngân hàng trung ương châu Á như của Ấn Độ hay Trung Quốc để bán vàng hoặc vay nợ bằng vàng.
Tuy nhiên, một động thái của các Thượng nghị sĩ Mỹ có thể sẽ ngăn các ngân hàng ở những nơi như Trung Quốc và Ấn Độ mua và bán vàng thỏi của Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều đó sẽ làm giảm các lựa chọn của Nga.
Trong một động thái khác của phương Tây nhằm trừng phạt Moscow, Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA) và Tập đoàn CME đã tạm rút các cơ sở luyện vàng của Nga khỏi danh sách được công nhận. Qua đó, vàng thỏi mới được đúc của Nga sẽ không thể giao dịch tại các thị trường chủ chốt của Mỹ và London.
Trước đây, LBMA cũng từng có hành động tương tự để hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vàng của một số nước khác, chẳng hạn như Kyrgyztstan, Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi LBMA đình chỉ các cơ sở luyện kim của Kyrgyzstan vào năm ngoái, quốc gia Trung Á này phải nhờ vả Thụy Sĩ luyện vàng hộ để ngân hàng trung ương có thể bán vàng ra thị trường toàn cầu. Ít nhất một cơ sở luyện vàng của Thụy Sĩ đã từ chối vì lo ngại bị LBMA phạt, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Citigroup nhận định, nếu Nga trở nên quá tuyệt vọng, họ có thể bán vàng thỏi trong nước để mua đồng Rúp. Nếu việc quy đổi được giữ ở một mức cố định, điều này sẽ tương đương với một bản vị vàng nội bộ.