Nga và Iran hoàn tất thỏa thuận 20 năm có thể thay đổi cục diện Trung Đông
Thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm giữa Iran và Nga có thể thay đổi cục diện của Trung Đông, Nam Âu vì Iran sẽ có tầm ảnh hưởng quân sự được mở rộng hơn nhiều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp ở Tehran vào ngày 19/7/2022. Ảnh: SPUTNIK/AFP |
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei mới đây đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận hợp tác toàn diện mới có thời hạn 20 năm giữa nước này và Nga, trang tin Oilprice.com dẫn một nguồn tin cấp cao từ EU và nguồn tin trong lĩnh vực năng lượng Iran cho biết.
Thỏa thuận 20 năm đã được trình lên để ông Khamenei xem xét vào ngày 11/12 năm ngoái. Nó sẽ thay thế thỏa thuận 10 năm được ký vào tháng 3/2001 (gia hạn hai lần, trong 5 năm) và đã được mở rộng không chỉ về thời gian mà còn về phạm vi và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng. Ở một số khía cạnh, thỏa thuận mới bổ sung thêm các yếu tố chính của "Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Iran-Trung Quốc".
Đáng chú ý trong lĩnh vực năng lượng, thỏa thuận mới trao cho Nga quyền khai thác đầu tiên ở khu vực Biển Caspian thuộc chủ quyền của Iran, bao gồm cả mỏ Chalous có tiềm năng khổng lồ. Khu vực lưu vực Caspian rộng hơn, bao gồm cả các mỏ trên đất liền và ngoài khơi, ước tính có khoảng 48 tỷ thùng dầu và 290 nghìn tỷ feet khối (tcf) khí đốt tự nhiên.
Quyền khai thác đầu tiên tương tự của Nga cũng sẽ được áp dụng đối với các mỏ dầu và khí đốt lớn của Iran ở Khorramshahr và các tỉnh Ilam lân cận giáp biên giới Iraq. Các mỏ dầu chung của Iran và Iraq từ lâu đã cho phép Tehran tránh các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ quan trọng của họ, vì không thể biết dầu nào đến từ phía Iran hay phía Iraq của các mỏ này. Điều đó có nghĩa là Iran có thể chỉ đơn giản đổi tên loại dầu bị trừng phạt của mình thành dầu không bị trừng phạt của Iraq và vận chuyển đến bất kỳ nơi nào họ muốn.
Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh, đã công khai nhấn mạnh thực tế này vào năm 2020: “Những gì chúng tôi xuất khẩu không đứng tên Iran. Các tài liệu và thông số kỹ thuật được thay đổi nhiều lần". Một lợi thế khác của các mỏ chung là chúng cho phép tự do di chuyển nhân sự một cách hiệu quả từ phía Iran sang phía Iraq. Việc tận dụng các hoạt động phát triển dầu khí quan trọng trên khắp Iraq là một phần quan trọng trong kế hoạch lâu dài của Iran, được Nga hỗ trợ hoàn toàn, nhằm xây dựng một "cầu nối" tới bờ biển Địa Trung Hải của Syria. Việc trao đổi hàng hóa, cả trang thiết bị quân sự và năng lượng, cũng đã được chính thức hóa trong thỏa thuận mới giữa Iran và Nga. Đối với hàng hóa Iran xuất khẩu sang Nga, Tehran sẽ nhận được chi phí sản xuất cộng thêm 8%. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu này sang Nga sẽ không được chuyển sang Iran mà sẽ được giữ dưới dạng tín dụng tại Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Ngược lại, Iran sẽ được ưu đãi trong một số lĩnh vực khác. Những giao dịch liên quan đến đồng nhân dân tệ cũng có thể được thực hiện thông qua hệ thống Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, hệ thống thay thế cho SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) do Mỹ chi phối.
Trong nhiều trường hợp, việc mở rộng hợp tác quân sự giữa Iran và Nga gắn liền với các yếu tố lĩnh vực năng lượng trong thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm. Đứng đầu danh sách là việc nâng cấp các sân bay và cảng biển của Iran theo hướng lưỡng dụng mà Nga coi là tốt nhất cho lực lượng không quân của mình như Hamedan, Bandar Abbas, Chabahar và Abadan.
Lưu ý rằng vào tháng 8/2016, Nga đã sử dụng sân bay Hamedan để thực hiện tấn công các mục tiêu ở Syria bằng cả máy bay ném bom tầm xa Tupolev-22M3 và máy bay chiến đấu tấn công Sukhoi-34. Đứng đầu danh sách các cảng biển được hải quân Nga sử dụng là Chabahar, Bandar-e-Bushehr và Bandar Abbas.
Tương tự, liên quan đến việc Nga giành được quyền khai thác đầu tiên ở khu vực biển Caspian của Iran là Moskva cũng sẽ được trao quyền chỉ huy chung đối với khu vực phòng thủ ở phía bắc khu vực Caspian của Iran.
Cũng cần chú ý ở đây rằng hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Iran có thể dễ dàng liên kết với Lữ đoàn EW 19 của Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp miền Nam (Rassvet) của Nga gần Rostov-on-Don ở phía Tây Bắc Caspian. Điều này cũng có thể được liên kết với khả năng tác chiến điện tử của Trung Quốc. Những khả năng tác chiến điện tử này sẽ bao gồm các hệ thống gây nhiễu để vô hiệu hóa hệ thống phòng không trong khu vực.
Thỏa thuận mới cũng bao gồm việc tăng cường các tên lửa hiện đại từ Nga tới Iran. Theo nguồn tin cấp cao từ EU, các binh sĩ IRGC [Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran] sẽ được chọn lựa để huấn luyện về những phiên bản tên lửa nâng cấp mới nhất của Nga, từ tầm ngắn đến tầm xa như Kh-47M2 Kinzhal, Iskander M, RS-26 Rubezh, BrahMos3 và Avangard, trước khi kế hoạch sản xuất chúng theo giấy phép ở Iran bắt đầu, với mục tiêu là 30% trong số chúng sẽ ở Iran, phần còn lại được chuyển trở lại Nga.
"Tất cả những điều này có nghĩa là thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm giữa Iran và Nga sẽ thay đổi cục diện của Trung Đông, Nam Âu vì Iran sẽ có tầm ảnh hưởng quân sự được mở rộng hơn nhiều, giúp họ có nhiều đòn bẩy hơn trong việc đưa ra các yêu cầu chính trị trên toàn khu vực đó. Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia trong những khu vực trên sẽ cảm thấy rằng việc tiếp tục dựa vào sự bảo vệ của Mỹ là một lựa chọn bấp bênh hơn nhiều so với trước đây”, nguồn tin trên kết luận.
>> Các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông bị tấn công 140 lần từ tháng 10/2023
Các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông bị tấn công 140 lần từ tháng 10/2023
Ngoại trưởng Mỹ trở lại Trung Đông để tìm giải pháp hòa bình