Trước những con số khả quan về tín dụng ngay trong hai tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 cao đột biến.
Theo số liệu của NHNN tín dụng tính đến ngày 25/2 tăng 2,52% so với cuối năm 2021. Con số này trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ là 0,66%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực ngay trong những tháng đầu năm.
Trước những con số khả quan về tín dụng, nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao đột biến.
Tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây, cổ đông VIB thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 30%. Con số tham vọng này khiến nhiều cổ đông bất ngờ bởi trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng của VIB chỉ đạt hơn 19% và không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Lý giải về điều này, đại diện VIB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% và có lưu ý là phụ thuộc vào room mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp. Tuy nhiên mức 30% được Ngân hàng đề ra là phù hợp với năng lực phát triển, khả năng quản trị rủi ro cùng kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ cấp room tín dụng. Trên thực tế, VIB có thể thực hiện cao hơn mức này, vì trong quá khứ, đã có những năm VIB tăng trưởng đến 34%.
Không chỉ VIB, một loạt ngân hàng khác cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022.
Tại MB, Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết, ngân hàng đã Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25%.
Năm 2022, OCB đặt mục tiêu dư nợ cho vay thị trường 1 tăng trưởng 25% lên 129.493 tỷ. Trước đó, tăng trưởng tín dụng năm 2021 của ngân hàng này chỉ đạt mức 15%. Với kỳ vọng trên, ngân hàng dự kiến lợi nhuận sẽ đạt mức kỷ lục hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 29%.
Tại MSB, ngân hàng kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2022 sẽ đạt 20-25% tùy vào phê duyệt của NHNN, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%. Trước đó, MSB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trên 20% trong năm 2021 giúp lợi nhuận đạt kỷ lục 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.
Ngân hàng cho biết, lý do MSB được NHNN phê duyệt "room" tín dụng cao trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cao trong năm 2022 chính là nhờ vào việc đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro, CAR, đồng thời hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành nghề ít rủi ro và tham gia hỗ trợ vào các chính sách chung của NHNN trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Đối với VPBank, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18 - 20% tính riêng tại ngân hàng mẹ. Trong năm 2022, lãnh đạo VPBank cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng, đặc biệt là tại FE Credit.
Thanh tra yêu cầu Ngân hàng HSBC Việt Nam khắc phục các vi phạm trước ngày 31/12/2024
Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng