Ôm vốn giá cao nhưng không cho vay ra được khiến các ngân hàng lo lắng. Hàng loạt ngân hàng như LPBank, Cake by VPBank cũng giảm lãi suất do áp lực huy động nhưng không cho vay ra được.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Đức Tú - chủ tịch BIDV, cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đến nay đạt 6,9%, thấp hơn mức 8% của năm ngoái.
Hiện các ngân hàng có vốn nhà nước gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, mức lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng là 6,3%/ năm; còn kỳ hạn 6 và 9 tháng là 5%/năm.
Còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất cao nhất niêm yết được kéo về dưới mức 7%/năm.
Như VPBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 - 12 tháng còn 6,7%/năm, giảm 2% so với hai tháng trước. Kỳ hạn 15 tháng cũng chỉ còn 6,1%/năm.
Đối với các ngân hàng nhỏ như BacABank, GPBank, PVCombank, NamABank, ABBank, NCB... lãi suất huy động cao nhất áp dụng kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,6 - 7,8%/năm.
Bên cạnh đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay là 14 - 15%. Nhưng đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng. Tỉ lệ huy động vốn khoảng 4,16% với 12.691.000 tỉ đồng.
Như vậy, tỷ lệ huy động và cho vay ở thời điểm hiện nay là tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao tín dụng được khoảng 11% từ đầu năm. Có thể nói, dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.
"Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa. Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, còn với chúng ta, lãi suất đã hạ, theo thông thường thì tín dụng sẽ tăng", ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm khi lãi suất giảm nhanh? Theo ông Đào Minh Tú, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp nên cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Cụ thể, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều. Nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng.
Thị trường bất động sản chưa sôi động lại. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn.
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không. Đây là nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, ngân hàng mời chào vay nhưng có không ít doanh nghiệp chưa có nhu cầu vốn.
"Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.