Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm tới, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với những khó khăn như biến thể Omicron và suy thoái nghiêm trọng của lĩnh vực bất động sản.
Ngân hàng Thế giới dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8% trong năm 2021 so với một năm trước. Con số này thấp hơn so với các dự báo trước đó của WB. Hồi tháng 10, WB đã đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay. Vào tháng 6, mức tăng trưởng được dự báo tăng đạt 8,5%.
WB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 từ 5,4% xuống 5,1%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 1990 - khi nền kinh tế nước này chỉ tăng 3,9%. Trong năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,2%. Theo báo cáo mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc ngày 22/12, WB cho biết: "Nguy cơ suy giảm về triển vọng kinh tế Trung Quốc đã tăng lên".
Các đợt bùng phát COVID-19 trong nước lại xuất hiện, bao gồm cả bùng phát do biến thể Omicron, có thể khiến Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng chống trên diện rộng và lâu dài hơn, gây ra những gián đoạn hơn nữa cho hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, WB nhấn mạnh rằng cuộc suy thoái nghiêm trọng và kéo dài trong lĩnh vực bất động sản có thể gây ra thêm những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế.
Tuy Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020, nhưng năm nay nước này đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa tới tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như các biện pháp phòng chống dịch, cuộc khủng hoảng năng lượng và một cuộc chấn chỉnh chưa từng có đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Một đợt chấn chỉnh pháp lý kéo dài một năm đối với công nghệ, giáo dục và giải trí đã ảnh hưởng đến cổ phiếu, gây ra tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt ở nhiều công ty, gây áp lực cho lĩnh vực việc làm ngay cả khi ngành này đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.
Các quy định bổ sung đối với các công ty bất động sản bắt đầu từ năm ngoái đã gây khó khăn lớn cho các công ty vốn đã gánh quá nhiều nợ. Bất động sản, lĩnh vực chiếm gần 1/3 GDP của Trung Quốc, đang trong tình trạng lao dốc ngày càng nghiêm trọng, khi các tên tuổi lớn đều đứng trên bờ vực sụp đổ.
Những biến động về kinh tế khiến Trung Quốc phải xem xét lại cách tiếp cận chính sách. Trong cuộc họp kinh tế quan trọng hồi đầu tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác đã coi ổn định là ưu tiên hàng đầu cho năm 2022. Đó là một mục tiêu lớn so với cuộc họp năm ngoái, khi đó Trung Quốc đặt mục tiêu kiềm chế mở rộng vốn vô tổ chức.