Ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng
Trong năm 2023, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại đã tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm được khoảng 2,5% so với cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm
Chính sách tiền tệ đang có những tác động tích cực đến khả năng hồi phục của nền kinh tế, cũng như "sức khoẻ" của các doanh nghiệp (DN), nhất là trong công tác điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Mức lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang trên đà giảm mạnh, lãi suất huy động cao nhất tại hầu hết các ngân hàng đều dưới 6%/năm: Mức lãi suất 5% - 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng - 24 tháng, còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, đều lùi về khoảng 4%/năm.
Lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP tư nhân cũng không còn chênh lệch đáng kể so với nhóm có vốn nhà nước. Thậm chí, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng tư nhân như SHB, ACB, Techcombank, MB, VIB… đã xấp xỉ hoặc ngang bằng nhóm "Big 4" quốc doanh.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào với lượng tiền gửi tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Theo số liệu của NHNN, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.
Theo báo cáo mới đây của VNDirect Research dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý II/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về mức 4,0% và lãi suất chiết khấu về mức 2,5%. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân dự kiến sẽ duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5,0%/năm trong năm 2024.
Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn cùng khách hàng
Song song với việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại đã, đang nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn.
Theo số liệu của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm được khoảng 2,5% so với giai đoạn cuối năm 2022. Ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà 1 - 2% so với cuối năm ngoái.
Đơn cử như, từ đầu năm 2023, Vietcombank đã triển khai giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu bằng VND. Đồng thời, ngân hàng đã thực hiện 46 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng SMEs và thể nhân, 8 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng DN. Với nhiều đợt giảm lãi suất cho vay trong suốt cả năm 2023, Vietcombank đã giảm gần 5.800 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Là ngân hàng tích cực, chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2023, VietinBank đã triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với dư nợ tín dụng được hỗ trợ lãi suất lên tới 12 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm với số tiền hỗ trợ gần 250 tỷ đồng, là ngân hàng thuộc nhóm có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất; tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng DN gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tập trung đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của ngân hàng.
Trong các nhà băng tư nhân, SHB là ngân hàng tiên phong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi và giảm lãi suất, từ đầu năm 2023, SHB đã ban hành và triển khai tích cực nhiều chương trình ưu đãi giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Một số chương trình tiêu biểu SHB cho vay hỗ trợ lãi suất khách hàng như: Chương trình ưu đãi lãi suất cho KHDN quy mô 11 nghìn tỷ, Chương trình ưu đãi lãi suất USD cho DN FDI quy mô 50 triệu USD, với lãi suất đang được áp dụng là 6,63%/năm; Chương trình tri ân khách hàng cá nhân quy mô 20 nghìn tỷ, lãi suất giảm 1-3%…
Đại diện lãnh đạo SHB chia sẻ: Năm 2023 và đầu năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, SHB đã nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, xây dựng các kịch bản hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững, tích cực thúc đẩy vốn tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng mới và các đợt giảm lãi suất dành cho khách hàng hiện hữu với tổng số tiền giảm lãi lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Gần đây nhất, tháng 11/2023, SHB cũng đã giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay các khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và DN nhằm chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng trên còn chủ động miễn/giảm phí dịch vụ dành cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, miễn phí Gói Combo tài khoản thanh toán, tặng tài khoản số đẹp…; đồng thời thường xuyên rà soát các quy định nhằm tinh giản quy trình, thủ tục đối với khách hàng; xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với DN đặc thù như DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa…
Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất và tích cực thúc đẩy tín dụng an toàn, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN vì mục tiêu chung hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
>> Khách hàng SHB may mắn nhận hơn 1,5 tỷ đồng dịp sinh nhật SHB
Một doanh nghiệp tạm lãi 110% với khoản đầu tư cổ phiếu SHB
Khách hàng SHB may mắn nhận hơn 1,5 tỷ đồng dịp sinh nhật SHB